Không có vắc-xin an toàn tuyệt đối

PGS.TS.Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ khẳng định tại buổi họp báo tổng kết 25 năm chương trình Tiêm chủng mở rộng chiều ngày 14/12.

Theo ông Hiển, cũng như các dược phẩm hay thực phẩm khác, không phải tất cả vắc xin đều an toàn và hiệu quả. Vẫn có một tỷ lệ dù rất nhỏ có phản ứng sau tiêm.

Ông Hiển lý giải, khi vắc xin đưa vào cơ thể, không vắc-xin nào đạt hiệu quả 100%. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vẫn ghi nhận các ca sau khi tiêm, trẻ có phản ứng như sưng, đau, mệt mỏi, quấy khóc.

Không có vắc-xin an toàn tuyệt đối - 1

Trẻ đi tiêm có phản ứng như sốt nhẹ, mệt mỏi là hoàn toàn bình thường. (Ảnh minh họa)

Mỗi năm, Việt Nam có 1 triệu trẻ sinh ra và được tiêm chủng 11 loại vắc-xin. Trong đó, vẫn còn một số ca phản ứng sau tiêm như quấy khóc, sốt nhẹ, mệt mỏi còn những ca phản ứng nặng như trụy mạch, sốt cao, sốc hiếm khi xảy ra.

Năm 2012, Việt Nam có 12 ca nhập viện sau tiêm chủng và 9 ca tử vong. Tuy nhiên, hội đồng chuyên môn phân tích, những ca này không liên quan đến tiêm chủng. Tỷ lệ tai biến trong tiêm chủng ở Việt Nam thấp so với tỷ lệ được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép.

TS Hiển khuyến cáo, các bà mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đúng thời hạn để đạt hiệu quả.

Để phòng tránh tai biến có thể xảy ra với trẻ, tùy mỗi loại văcxin có chống chỉ định khác nhau, các trẻ đang bị nhiễm trùng, từng gặp phản ứng nặng với văcxin, bị bệnh bẩm sinh, sinh non hoặc quá yếu thuộc nhóm cần thăm khám kỹ và xem xét khi tiêm văcxin.

Cũng theo TS Hiển, tiêm ngừa xong nên để trẻ ở lại cơ sở y tế trong vòng 30 phút để theo dõi sốc phản vệ nếu có. Sau thời gian này, phản ứng sốc ít hơn nhưng gia đình cũng cần phải theo dõi các hiện tượng có thể gặp như trẻ quấy khóc, có sưng đỏ ở vị trí tiêm hoặc có sốt.

Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ hoặc quấy khóc kéo dài, khó thở... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN