Tưởng nhiệt miệng, hóa ra mắc ung thư lưỡi giai đoạn 3

Sự kiện: Ung thư

Từ một vết tưởng như bị loét miệng thông thường, thanh niên 19 tuổi không ngờ mình mắc ung thư lưỡi giai đoạn 3.

Ngày 25-10, BS Bùi Xuân Trường, Trưởng khoa Ngoại 5, BV Ung bướu TP.HCM, cho biết khoa vừa tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân PVA (19 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị ung thư lưỡi rất nặng. Đây là bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà khoa từng tiếp nhận.

Cha bệnh nhân A. cho biết ông và con trai làm công việc thiết kế bảng quảng cáo. Trước giờ A. hoàn toàn khỏe mạnh. Bốn tháng trước, đột nhiên A. phát hiện lưỡi có một lỗ nhỏ. Tưởng chỉ là vết loét do nhiệt miệng nên A. ra tiệm thuốc Tây tự mua thuốc về uống.

Sau nhiều ngày uống thuốc thấy bệnh không những không giảm mà có dấu hiệu nặng hơn, để ý kỹ A. thấy có khối u nhú lên trên mặt lưỡi, không ăn uống được nên phải vào BV.

Tưởng nhiệt miệng, hóa ra mắc ung thư lưỡi giai đoạn 3 - 1

Bệnh nhân A. được điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HL

Tại BV Ung bướu TP.HCM, qua thăm khám, A. được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn 3, khối u đã ăn sâu vào đáy lưỡi, phải phẫu thuật gấp để lấy hết khối u. Trong lúc mổ, các bác sĩ thấy một chiếc răng sâu rất nhọn đâm vào góc lưỡi gây nhiễm trùng nên cũng đã nhổ bỏ răng này.

Để giữ lại giọng nói cho bệnh nhân, êkíp điều trị đã tiến hành vi phẫu vạt đùi trước, tạo hình lưỡi cho A. Ca mổ kéo dài trong năm giờ. Dự kiến bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua ống khoảng 10 ngày chờ lành vết thương. Sau đó cần khoảng 3-6 tháng để tập phát âm.

Theo BS Trường, vài chục năm trước, ung thư lưỡi thường gặp ở người cao tuổi, rất hiếm bệnh nhân dưới 50 tuổi bị bệnh này. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh nhân tuổi dưới 40 chiếm đến 10% tổng số ca bệnh. Đa số đi thăm khám khi bệnh vào giai đoạn muộn. Lý giải vấn đề này, BS Trường cho rằng bệnh ung thư lưỡi có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường như giai đoạn đầu, bệnh có dấu hiệu giống nhiệt miệng, lưỡi có phần trắng và đơ buốt nhẹ, dễ bị bỏ qua.  

Ở giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân sẽ đau và chảy máu, tiết nước bọt nhiều hơn. Dấu hiệu rõ ràng hơn khi thấy khối bướu trồi sùi như bông cải, loét lưỡi và nhiễm trùng. Phát hiện và điều trị vào lúc này, 70% bệnh nhân sống được trên năm năm.

Khi vào giai đoạn nặng, khối u đã xâm lấn nhiều, bệnh nhân bị chảy máu liên tục gây khó nuốt và đau nhức. Khi khối u đã di căn đến hạch cổ thì tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng. Tỉ lệ sống trên năm năm chỉ còn 30%.

Theo BS Trường, nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi chưa rõ ràng và có một số yếu tố nguy cơ như người có bệnh lý về răng miệng; răng sâu, răng nhọn, vệ sinh răng miệng kém; uống rượu, hút thuốc lá kéo dài; nhai trầu xỉa thuốc; chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A, C, D.

Quan hệ tình dục bằng đường miệng có thể ung thư lưỡi

Rất nhiều người đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị sùi mào gà ở lưỡi và cổ họng, bệnh nặng lên có thể trở thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN