Trung Quốc giải thích hiện tượng trẻ em ốm tăng đột biến

Sự kiện: Sống khỏe

Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết, nhiều mầm bệnh khác nhau cùng hoành hành là nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng các bệnh về đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, khiến khoa nhi trên khắp cả nước rơi vào tình trạng quá tải.

Người dân xếp hàng trước một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh ngày 24/11. (Ảnh: Reuters)

Người dân xếp hàng trước một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh ngày 24/11. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/11, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Mi Feng cho biết, tình trạng trẻ em ốm tăng mạnh là do virus cúm, cùng với các loại rhinoviruses (gây cảm lạnh), viêm phổi mycoplasma, virus hợp bào hô hấp (RSV) và adenovirus.

Ông Mi Feng thúc giục các cơ sở y tế cung cấp thông tin kịp thời và cập nhật về nhu cầu điều trị sốt ngoại trú, yêu cầu các trường học thực hiện biện pháp phòng ngừa thích hợp.

“Cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả ở những khu vực trọng điểm có mật độ dân số dày đặc, như trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em và viện dưỡng lão”, ông nói.

Các bệnh viện cũng được yêu cầu phân loại bệnh nhân theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, các nhóm tuổi khác nhau bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh khác nhau.

Ông Wang Huaqing, chuyên gia trưởng về kế hoạch tiêm chủng của CDC, cho biết bệnh viêm phổi do mycoplasma chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm 5 – 14 tuổi, các nhóm còn lại có thể nhiễm nhiều loại virus khác nhau.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc không cho biết có bao nhiêu trẻ em bị ảnh hưởng. Ngày 23/11, Bắc Kinh báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng số trẻ nhập viện và điều trị ngoại trú do nhiễm mycoplasma gia tăng từ tháng 5.

Các bệnh về đường hô hấp do mầm bệnh khác gây ra, bao gồm RSV, adenovirus và virus cúm, bắt đầu tăng vọt vào tháng 10.

Dù COVID-19 vẫn là một trong những bệnh đang lưu hành, nhưng không phải nguyên nhân hàng đầu gây ra đợt gia tăng lần này.

Tại Bắc Kinh, cúm là căn bệnh được ghi nhận nhiều nhất ở mọi lứa tuổi trong 5 tuần liên tiếp, uỷ ban y tế thành phố cho biết.

Báo chí trong nước phản ánh tình trạng những hàng dài người xếp hàng tại các phòng khám nhi khoa ngoại trú và nội trú trên khắp đất nước, trong đó nhiều bệnh viện phải mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Đài Phát thanh và Truyền hình Thiên Tân đưa tin, Bệnh viện Nhi Thiên Tân đang hoạt động suốt ngày đêm, tiếp nhận hơn 13.000 bệnh nhi mỗi ngày tại các khoa ngoại trú và cấp cứu, mức cao kỷ lục được ghi nhận.

Một bệnh viện sản nhi ở tỉnh Hà Bắc đã sáp nhập hai khoa để có thêm chỗ cho trẻ ốm.

Tuần trước, Bệnh viện Đa khoa Hàng không ở Bắc Kinh cho biết, phòng khám nhi khoa ngoại trú của họ đang xử lý 550 - 650 lượt khám mỗi ngày, tăng 30 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng này khiến WHO yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về sự gia tăng đột biến các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em ở các tỉnh thành miền bắc nước này.

Trong phản hồi của mình, Trung Quốc cho biết không có mầm bệnh mới hoặc bất thường nào đằng sau sự gia tăng đột biến này.

Viêm phổi do mycoplasma thường gây các triệu chứng hô hấp nhẹ, nhưng các chuyên gia cho biết đợt bùng phát năm nay đặc biệt nghiêm trọng do vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh nhóm macrolide.

Lo ngại về tình trạng bệnh nhân gia tăng khiến một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc công bố danh sách những nơi cha mẹ có thể điều trị cho con.

Ủy ban y tế ở một số khu vực, như tỉnh Sơn Đông, tỉnh Quảng Đông và Hohhot ở vùng Nội Mông tổng hợp danh sách các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị nhi khoa.

Những danh sách này bao gồm thông tin như khả năng tiếp nhận bệnh nhân tối đa và số giường bệnh nhi nội trú.

Các gia đình có thể lựa chọn cơ sở y tế dựa trên vị trí và nhu cầu y tế của mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc phản hồi WHO về ‘dịch bệnh bất thường’

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Trung Quốc báo cáo không có “mầm bệnh bất thường hoặc mới“ gây ra tình trạng lây lan các bệnh về đường hô hấp ở miền bắc nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN