Thực phẩm: Ăn gì cũng sợ!

Trong tháng 11, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra chất lượng rau lá ăn sống, mực khô và mật ong.

Tại cuộc họp giao ban về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 19/10 ở Hà Nội, nhiều cơ quan chức năng vẫn bày tỏ quan ngại về việc sử dụng chất bảo quản đối với hàng loạt thực phẩm, nhất là cá tươi và thực phẩm chế biến sẵn.

Thực phẩm: Ăn gì cũng sợ! - 1

Khô bò trong món bánh tráng trộn bán ở hè phố. Ảnh: HỒNG THÚY

Chưa mất an toàn nhưng có thể gây hại

Trong tháng 10, các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra 3 mặt hàng là măng, thịt bò khô và chè. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Xuân Hồng, cục đã lấy gần 50 mẫu măng tại Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thanh Hóa để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATVSTP như kim loại nặng, cyanua, lưu huỳnh và sulfite… Kết quả cho thấy số mẫu đạt chỉ tiêu về kim loại nặng, 27/27 mẫu măng khô có lưu huỳnh và sulfite, áp theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) thì chưa có mẫu nào vượt ngưỡng tối đa cho phép.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, hiện chưa có quy định giới hạn cũng như hướng dẫn quy trình sử dụng lưu huỳnh, cyanua và sulfite. Việc sử dụng lưu huỳnh để sấy khô nông sản trước mắt chưa phát hiện mất an toàn nhưng có thể gây hại cho môi trường xung quanh và người sản xuất. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng kết quả kiểm tra ban đầu chưa có lo ngại về măng nhưng thời gian tới vẫn phải tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và phải có những văn bản cụ thể đưa ra hướng dẫn quy trình sản xuất bảo đảm an toàn.

Theo Cục phó Cục Thú y Trần Đình Luân, 2 đoàn kiểm tra đã lấy 40 mẫu thịt bò khô tại Hà Nội và TPHCM để kiểm tra mức độ ô nhiễm vi sinh vật. Kết quả tại Hà Nội, 20/20 mẫu có vi sinh vật, E.coli nhưng không vượt quá giới hạn cho phép; 20/20 mẫu âm tính đối với salmonella; 20/20 mẫu âm tính với sudan II và 3/20 mẫu dương tính sudan I (với giới hạn phát hiện của phương pháp là 10 phần tỉ).

Tại TPHCM, 20/20 mẫu âm tính (với giới hạn phát hiện là 100 phần tỉ). Như vậy, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có 1/40 mẫu thịt bò khô không đạt tiêu chuẩn, do bị nhiễm vi khuẩn salmonella, cụ thể là mẫu của một cơ sở ở chợ Bình Tây - TPHCM. Hiện Cục Thú y đã thông báo kết quả cho Chi cục Thú y TPHCM để xử lý vi phạm.

Nhiều loại cá, trái cây có chất bảo quản

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), cho biết các mẫu chè kiểm tra vẫn đạt quy định cho phép. Cơ quan này đã lấy mẫu cá biển để phân tích. Các mẫu được lấy kiểm tra tập trung vào loài được tiêu thụ lớn như thu, nục, bạc má, ngừ… Kết quả cho thấy 54/60 mẫu cá phát hiện có sử dụng chất bảo quản là urê nhưng mức thấp. Theo ông Tiệp, việc sử dụng urê để bảo quản cá nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Tiệp, trong 90 mẫu cá được kiểm tra không phát hiện hàn the; ô nhiễm vi sinh vật như salmonella ở chợ bán buôn bị “dính” 15% mẫu, còn chợ bán lẻ tỉ lệ này là 30%. Cùng với đó, 14/45 mẫu vượt ngưỡng sử dụng cho phép đối với chất histamin. Thời gian bảo quản cá càng lâu, nhiệt độ tăng thì lượng histamin sinh ra càng lớn.

Tại TPHCM, cơ quan chức năng lấy 12 mẫu cá bạc má thì có 10 mẫu dính chất histamin. Trên thực tế, tại TPHCM ghi nhận nhiều vụ ngộ độc gần đây là do histamin trên cá thu, cá ngừ mua ngoài chợ chiều mang về nấu cho công nhân ăn. Phần lớn người sử dụng mới dừng lại ở việc bị dị ứng.

Trong tháng 10, Cục Bảo vệ Thực vật lấy 182 mẫu rau quả tươi nhập khẩu, phát hiện 2 mẫu lựu nguồn gốc từ Trung Quốc tại cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép 1,16 lần.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị cần tập trung hơn nữa vào khâu bán lẻ thực phẩm và cần công bố sớm các kết quả kiểm tra, nghiên cứu để người dân biết mà tránh những sản phẩm có nguy cơ mất an toàn cao. “Mất ATVSTP không chỉ ở ngoài biên giới, tại cơ sở khai thác, chế biến mà không loại trừ người bán lẻ tự sử dụng chất bảo quản” - ông Phát lưu ý. Ông cũng chỉ đạo trong tháng 11 tập trung kiểm tra vào sản phẩm rau lá ăn sống, mực khô và mật ong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BẢO TRÂN (Người lao động)
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN