Tết khó tránh rượu bia, biết những điều này để tránh ngộ độc rượu

Trong dịp Tết, nếu phải uống rượu, bia thì nên uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.

Cứ dịp Tết đến, lượng tiêu thụ rượu, bia của người dân lại tăng đột biến. Nhiều ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não.

Uống rượu bia gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Uống rượu bia gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt và dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Theo Trung tâm Chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do người kinh doanh đã mua cồn công nghiệp về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm. Sau đó, họ trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi. Một nguyên nhân nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai, dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có cơ sở y tế nhập về để sử dụng.

Trung tâm Chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao. Nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn trên thị trường.

“Điều đáng lo ngại, đó là vào mỗi dịp lễ, Tết, số bệnh nhân nhập viện do rượu thường tăng 2-3 lần. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, các ngành nghề. Không chỉ có rượu mà bia cũng gây ngộ độc. Bia là rượu pha loãng và có thêm… bọt, nếu lạm dụng cũng gây ngộ độc”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

Cách phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia, theo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc, đó là không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Ngoài ra, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên, vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng và không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, tuyệt đối không uống rượu, bia.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối.

Trong dịp Tết, cần uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.

Nguồn: [Link nguồn]

Chăm sóc người say rượu bia nhất định phải biết những điều này

Để chăm sóc người say rượu đúng cách, bạn cần nhận biết được các dấu hiệu của ngộ độc rượu, đảm bảo an toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sức khỏe ngày Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN