Tắm nước lạnh sau khi tập thể dục, người đàn ông 49 tuổi bị đột quỵ

Sự kiện: Đột quỵ

Anh N.V.H. không hề có biểu hiện méo miệng, yếu hay liệt nửa người nên người nhà chủ quan, không nghĩ tới đột quỵ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ do tắm nước lạnh sau khi tập thể dục.

Bệnh nhân là anh N.V.H 49 tuổi, tài xế taxi ở TP. Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó, khoảng 7h ngày 16/7, sau khi đánh cầu lông về, anh H. đi tắm nước lạnh như mọi khi, sau đó uống một cốc sữa rồi lên xe đi đón khách. Tuy nhiên, đi được quãng đường 4km, vừa đến nhà khách hàng thì anh đột nhiên thấy chóng mặt quay cuồng, đầm đìa mồ hôi, nôn thốc nôn tháo, chân tay bủn rủn, không thể đứng vững.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Người xung quanh nghĩ cảm nên lấy xoa dầu cho anh nhưng không đỡ. Sau đó, anh được dìu về nhà, người thân đánh gió cho anh bằng trứng gà luộc, lá trầu không, tuy nhiên tình trạng của anh ngày một nặng, uống nước cũng nôn.

Hơn 13h cùng ngày, khi thấy anh lịm dần, gia đình vội đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy có hình ảnh nhồi máu bán cầu tiểu não trái và thùy nhộng khá lớn. Đặc biệt, chỉ số huyết áp lên tới 153/103mmHg.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân vốn bị xơ vữa động mạch gây tăng huyết áp, nhưng không đi khám và điều trị. Việc tắm nước lạnh khi vừa tập thể dục về khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, từ đó gây co mạch, tạo cục máu đông gây tắc động mạch nuôi dưỡng tiểu não.

Ngoài ra, bệnh nhân không hề có biểu hiện méo miệng, yếu hay liệt nửa người nên người nhà chủ quan, không nghĩ tới đột quỵ, để lỡ cơ hội điều trị trong giai đoạn vàng.

PGS Hiện cho biết, nếu tổn thương do chảy máu hay nhồi máu não chỉ gây liệt, méo miệng khi nằm ở vùng liên quan đến vận động, cảm giác. Nếu cục máu đông nằm ở tiểu não hay các vị trí khác sẽ không có những triệu chứng này. Đôi khi một số người chỉ thấy đau đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, toát mồ hôi, hoa mắt

Bệnh nhân đã qua khung giờ vàng dùng tiêu sợi huyết để tái thông mạch não bị tắc, nên chỉ có thể điều trị theo phác đồ kinh điển như chống phù não, dinh dưỡng, bảo vệ tế bào não, dùng thuốc hạ mỡ máu, điều trị huyết áp ổn định, dùng thuốc chống tắc mạch tái phát và vitamin nhóm B… Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục 60%, có thể tự đi lại được song giữ thăng bằng chưa tốt, cần điều trị thêm ít nhất 2-3 tuần nữa.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Theo các chuyên gia cấp cứu, để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, những người xung quanh chỉ cần dành 1 phút chú ý và hỏi người bệnh ba từ: nói – cười – chào.

1. Nói:  Nếu đứng trước người có biểu hiện của cơn đột quỵ bạn hãy bảo người đó nói. Nếu nói ngọng, khó nói, hoặc không nói được là dấu hiệu báo cơn đột quỵ.

2. Cười: Khi cười người sắp đột quỵ có dấu hiệu méo mồm và cười nhìn dấu hiệu này rõ hơn.

3. Chào: Hãy nói người đó giơ tay chào, nếu không giơ được tay là dấu hiệu cơn đột quỵ.

Tóm lại, nếu giơ tay không giữ được, khóe miệng xệ (lệch bên miệng), nói với giọng bất thường hoặc không nói được… thì 90% là đột quỵ.

Ngoài ra, người bị đột quỵ còn có các triệu chứng gợi ý đột quỵ: Yếu hoặc tê mặt, tay hoặc chân, đặc biệt một bên cơ thể, rối loạn ý thức, có bất thường về lời nói hoặc sự hiểu biết, bất thường về nhìn ở một hoặc cả 2 bên mắt, mất thăng bằng, chóng mặt hoặc phối hợp động tác, đau đầu dữ dội mà không rõ căn nguyên

Nhận thấy người thân có dấu hiệu đột quỵ, việc đầu tiên cần làm là hãy gọi 115.  Khi gọi 115 người bệnh sẽ được cấp cứu ban đầu và 115 sẽ giúp đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị tốt nhất, chuyên sâu về đột quỵ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thói quen ”giết hại” tim, gây đột quỵ nhiều người Việt đang làm hằng ngày

Đau tim là biểu hiện của bệnh lý động mạch vành, một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Có rất nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN