Rùng rợn nghề bác sĩ pháp y

“Không đeo khẩu trang nhiều người nhìn vào nghĩ kinh lắm. Mùi thi thể sao ngửi nổi? Nhưng nếu đeo khẩu trang thì khi hít thở buộc phải hít sâu hơn, sẽ rất có hại cho sức khỏe”.

Rùng rợn nghề làm việc bên xác chết

Lật giở cho chúng tôi xem lại những bức ảnh đi làm việc ở ngoài hiện trường, Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hường Dũng – Phó viện trưởng Viện Pháp Y Quốc gia chỉ tay: “Đây là nghề chúng tôi vẫn làm hàng ngày”. 

Những hình ảnh rùng rợn nhất đó là khai quật tử thi đã mất từ hai năm trước. Nhìn hình hài của các tử thi có lẽ những người bình thường sẽ nôn ói liên tục. Nhưng với các bác sĩ pháp y chỉ có đôi gang tay là cách phòng phơi nhiễm, không khẩu trang, không có bàn mổ, họ cúi lom khom người xung quanh tử thi đang phân hủy.

Rùng rợn nghề bác sĩ pháp y - 1

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Dũng phân bua: “Không đeo khẩu trang nhiều người nhìn vào nghĩ kinh lắm. Mùi thi thể sao ngửi nổi? Nhưng nếu đeo khẩu trang thì khi hít thở buộc phải hít sâu hơn, sẽ rất có hại cho sức khỏe”.

Hình ảnh của những nạn nhân trong vụ sập núi ở thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An cách đây 8 năm có lẽ ám ảnh với bác sĩ Dũng nhất. Lưu lại những hình ảnh của bao ngày khoan núi tìm kiếm, bác sĩ Dũng chỉ những tấm ảnh nhận dạng các nạn nhân. 

Nhờ có những chi tiết nhận diện bên ngoài như tiền, điện thoại, sim điện thoại… các bác sĩ và gia đình mới nhận ra nạn nhân. Có một nạn nhân mặc chiếc quần đùi màu tím hoa cà khiến bác sĩ Dũng ám ảnh nhất. Toàn bộ thân thể anh chỉ còn một rúm trong chiếc quần tím. Nhờ có nó, các bác sĩ pháp y đã tìm ra được danh tính của nạn nhân.

Nghề mổ ở khe sông, bờ núi

Các nước tiên tiến, khi có người chết buộc phải giám định pháp y, sau khi khám nghiệm hiện trường xong họ đưa xác về Trung tâm pháp y bằng máy bay hoặc bằng ô tô. Các bác sĩ pháp y chỉ việc đến trung tâm tiến hành công việc trong điều kiện có bàn mổ và đủ các tiện nghi khác, được đứng mổ thoải mái. Nhưng ở ta, có lẽ đến 99% các vụ giám định pháp y tử thi phải làm tại hiện trường. 

Bác sĩ Chuyên khoa I Ngô Hường Dũng chia sẻ, mổ tử thi thường phải làm trong điều kiện vô cùng khó khăn. Cảnh tượng đứng trong phòng mổ rất hạn hữu. Địa hình mổ của bác sĩ pháp y ở tất cả mọi nơi, bất kỳ bờ sông, cánh đồng, núi cao hay rừng rậm. Mưa thì được tạm nghỉ, nắng phải làm ngay. Có những lúc phơi nắng liên tục giữa trưa hè hay ướt như chuột lội vì cơn mưa bất chợt. 

Còn tư thế mổ thì ngồi hoặc đứng lom khom, gò bó vô cùng. Nên chỉ một lúc là cả người, nhất là chân cẳng, đau nhừ.  

"Có năm 27 Tết, trời rét như cắt, vừa nghe thông báo có một phụ nữ chết ở khe suối với cái túi du lịch, đoàn bác sĩ pháp y lại lên đường. Đến đoạn núi giữa tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa mọi người trèo đèo cả chục km. Trời rét căm căm nhưng mồ hôi rơi lã chã, cởi áo khoác rồi đến áo sơ mi, chỉ còn chiếc may ô mỏng, chúng tôi phăng phăng đi vào hiện trường. 

Đến nơi, xác chết là một ông cụ với chiếc túi du lịch nhàu nát bên trong không có gì ngoài mấy vỏ hộp sữa" - BS Dũng kể lại. 

Chưa hết, nghề pháp y vô cùng nguy hiểm vì có những bệnh phơi nhiễm bác sĩ vẫn phải làm; có người bị HIV/AIDS giai đoạn cuối vẫn phải mổ tử thi. 

Khi giám định một tử thi, luôn có hai thái cực: Bên bị hại luôn muốn là tăng thương, giả bệnh còn bên bị can thì luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm thiểu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, bản lĩnh của giám định viên pháp y phải rất vững, tính trung thực cao. Sẽ luôn đầy rẫy mua chuộc. Giám định viên không tinh tường có thể làm oan sai. Nếu cứ coi đó là tổn thương thực sẽ làm cho kết quả giám định không đúng với thực tế.

Chính vì vậy, với bác sĩ Dũng cũng như nhiều đồng nghiệp, khi gắn với về nghề pháp y là nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph. Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN