Nở rộ giám định DNA xác nhận con

Mấy năm gần đây, số vụ đến giám định DNA để xác nhận con ở Trung Quốc tăng đột biến. Việc chồng nghi ngờ vợ không chung thủy, bí mật đưa con đi giám định đã thành “chuyện thường ngày” ở Quảng Châu.

Hiện nay chủ yếu có ba loại người yêu cầu giám định DNA xác định huyết thống: những gia đình xuất hiện nguy cơ tan vỡ, vợ chồng bất hòa; người chồng nghi ngờ vợ nên tự ý mang con đi giám định; người di cư, giám định để xác nhận quan hệ cha con khi làm thủ tục. Tuy nhiên, trường hợp thứ hai là phổ biến hơn cả.

Dịch vụ công khai

Ở Thâm Quyến, Viện pháp y của Bệnh viện nhân dân xác nhận, mấy năm gần đây, số vụ đến giám định DNA để nhận con tăng bình quân 40-50%/năm; ở Hắc Long Giang, các bậc cha mẹ nô nức mang con từ trẻ mới chào đời đến đứa con đã 40 tuổi tới bệnh viện yêu cầu giám định…

Nở rộ giám định DNA xác nhận con - 1

Giám định DNA để xác định con đẻ.

Ba năm trước, Bệnh viện Nhân dân số 2 chỉ có tổng cộng 80 trường hợp giám định huyết thống, nhưng chỉ 6 tháng cuối năm 2012 đã có tới hơn 300 vụ. Mặc dù phí rất đắt (3.300 tệ, tức 11 triệu VNĐ/vụ), nhưng người đến yêu cầu giám định vẫn rất đông.

Hai năm qua, việc cơ quan y tế công khai làm dịch vụ giám định DNA đã khiến số vụ ở nhiều địa phương tăng với mức độ 30-50%, giám định DNA trở thành ngành kinh doanh phát đạt, nhưng mới đây một số cơ sở giám định đã bị yêu cầu ngừng hoạt động.

Ở Giang Tô, bệnh viện tỉnh tuyên bố tạm ngừng dịch vụ giám định con cái cho dân chúng, chỉ làm theo yêu cầu của cơ quan tư pháp. Sở nghiên cứu giám định khoa học Tòa án Bắc Kinh cũng không nhận yêu cầu giám định con cho những cặp vợ chồng có hôn thú đang sống chung…

Nguyên nhân khiến các nơi liên tiếp đình chỉ dịch vụ giám định DNA là nhằm tránh gia tăng nguy cơ mất lòng tin trong xã hội.

Giáo sư Ngô Tân Nghiêu ở Khoa Pháp y Đại học Trung Sơn, Quảng Châu nói: tuyệt đại đa số các vụ giám định DNA của con là bởi các ông chồng nghi ngờ vợ “vượt rào”.

Kết quả giám định cho thấy tuyệt đại đa số các ông đều nghi ngờ oan, bởi tỷ lệ “không cùng huyết thống” chỉ không tới 20%. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang tồn tại khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng trong các gia đình – tế bào của xã hội bắt nguồn từ việc mở rộng cánh cửa hoạt động giám định DNA.

Khủng hoảng lòng tin

Một cuộc thăm dò ý kiến các thị dân Quảng Châu về việc có nên mở cửa dịch vụ giám định DNA. Kết quả, chỉ có 20% tán thành, 35% kịch liệt phản đối, số còn lại bảo lưu ý kiến.

Những người ủng hộ cho rằng, giám định DNA là cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có tác dụng tốt đối với phụ nữ trong hôn nhân.

Những người phản đối lại cho rằng, việc giám định DNA mang lại nguy cơ lớn hơn cho các gia đình, phá vỡ lòng tin giữa hai vợ chồng, là con dao hai lưỡi, dù kết quả thế nào thì cũng gây tổn thương đến tình cảm gia đình, đẩy nhanh khủng hoảng và là biểu hiện của chủ nghĩa nam quyền.

Một vấn đề nữa là tỷ lệ sai sót tuy rất thấp, chỉ 1/1000, nhưng lại có nguy cơ đem lại sự bất hạnh lớn cho một số gia đình. Cách đây ít lâu, một cặp vợ chồng ở Thâm Quyến mang theo con trai 5 tuổi đến Bệnh viện số 2, người vợ thì kêu khóc, người chồng thì rầu rĩ.

Mâu thuẫn bắt đầu từ việc người chồng nghi ngờ con không phải con đẻ nên bí mật lấy mẫu đi giám định. Kết quả “không tồn tại quan hệ huyết thống giữa hai người” đã khiến cuộc sống gia đình họ rơi xuống vực thẳm.

Người vợ khẳng định mình chung thủy, quyết chí minh oan, bắt chồng mang con đến Quảng Châu giám định lại. Kết quả: “hai người cùng huyết thống”. Khi bị truy hỏi, người chồng mới thú thật là không có bất cứ thứ giấy tờ nào về kết quả giám định lúc trước. Một cuộc giám định thiếu trách nhiệm suýt nữa đã hủy hoại một gia đình.

Trung tâm giám định pháp y Sở CA Bắc Kinh hiện là cơ quan giám định huyết thống duy nhất được cấp phép ở Trung Quốc.

Giáo sư Lưu Nhã Thành công tác ở trung tâm này nói: Hiện nay cả nước không có cơ quan nào quản lý việc giám định huyết thống và cũng không có một tiêu chuẩn thống nhất. Chính vì vậy, có chuyên gia cảnh báo: Cần lựa chọn phòng thí nghiệm đạt quy chuẩn để có được kết quả giám định chính xác.

Bên cạnh việc nở rộ giám định DNA để xác định con đẻ, chính sách sinh 1 con giờ đây cũng đã trở thành một vấn đề “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Chiều 7-3, tại cuộc thảo luận của đoàn đại biểu tỉnh Ninh Hạ, ông Ngô Sĩ Dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số quốc gia đã gây xôn xao dư luận khi thẳng thắn đề nghị chấm dứt chính sách “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con”. Ông Ngô đề nghị, vì lợi ích quốc gia lâu dài, cần nới lỏng chính sách sinh đẻ, đừng sợ dân số tăng vọt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN