Phát hiện thay đổi về độc lực của virus chết người cúm A/H7N9

Sự kiện: Sống khỏe

Ngày 27/2, Cục Y tế Dự phòng cho biết, WHO đã phát hiện một số thay đổi về độc lực của virus cúm A/H7N9 đối với gia cầm.

Phát hiện thay đổi về độc lực của virus chết người cúm A/H7N9 - 1

Virus cúm A/H7N9 có độc lực cao có thể lan sang Việt Nam nếu không kiểm soát tốt trên gia cầm.

Theo đó, WHO đã được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gien của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A /H7N9 tại Quảng Đông, đã phát hiện một số thay đổi của virus cúm A /H7N9 cho thấy virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Bộ Y tế cho biết, sự liên tục thay đổi như là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp. Do đó, Việt Nam phải cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác.

Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 làm lây truyền dễ dàng từ người sang người. Tuy nhiên, từ tháng 10/2016 đến 22/2/2017 tại Trung Quốc đã ghi nhận 425 trường hợp cúm A/H7N9 ở người. Điều đáng nói là dịch bệnh lần này ghi nhận tỉ lệ tử vong cao hơn (trên 40%) và bệnh lây lan trên quy mô rất rộng.

Trước lo ngại dịch cúm A (H7N9)  đang tiếng sát Việt Nam, Bộ Y tế đã họp khẩn nhằm đối phó với dịch bệnh này nhằm đưa giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ông Trần Đắc Phu cho biết, dịch cúm A/H7N9 chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông Nam của Trung Quốc- giáp với biên giới Việt Nam, nên khả năng bệnh lây lan sang nước ta là rất cao. Tính đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 nào.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, trong thời gian tới thời tiết ở nước ta rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Vì vậy, ngành y tế cần phải tăng cường và tập trung truyền thông cho người dân về phòng chống dịch bệnh, nhất là những người có yếu tố nguy cơ như buôn bán, giết mổ gia cầm…

“Chỉ khi nào ngăn chặn được cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm thì mới ngăn được lây nhiễm cúm trên người”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng khuyến cáo, người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, các địa phương phải phối hợp với các ngành như công an, nông nghiệp, công thương trong kiểm soát dịch bệnh, quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu, đặc biệt phải lưu ý việc nhập giống, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc trong thời điểm này.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A/H7N9 sang người, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN