Nhiều bác sĩ chữa hiếm muộn bị kiện vì đánh tráo tinh trùng

Sự kiện: Vô sinh hiếm muộn

Gần đây, vụ việc các bác sĩ đánh tráo tinh trùng của mình để thụ tinh cho nhiều khách hàng nữ đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới vì vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức.

Những trường hợp điển hình

Một bác sĩ người Canada tên là Norman Barwin vừa bị kiện vì dùng tinh trùng của mình để thụ tinh cho hàng chục phụ nữ thay vì dùng tinh trùng của chồng họ. Đây không phải là trường hợp duy nhất bác sĩ làm việc trái lương tâm. Tháng 4/2018, bác sĩ Gerald Mortimer, cựu trưởng khoa Phụ sản bệnh viện bang Idaho (Mỹ) bị chính con gái ruột kiện vì đã thay tinh trùng của người cha thật sự bằng của chính mình.

Một trường hợp hy hữu hơn thuộc về bác sĩ Jan Karbaat ở Hà Lan, chuyên điều trị bệnh vô sinh hiếm muộn. Sau khi bác sĩ Karbaat qua đời không lâu, 22 gia đình từng được ông này điều trị đã đồng loạt trình đơn tố cáo ông Karbaat đã sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh trong ống nghiệm cho họ.

Nhiều bác sĩ chữa hiếm muộn bị kiện vì đánh tráo tinh trùng - 1

Bác sĩ bất lương Norman Barwin.

Ngờ ngợ từ… cặp mắt

Năm 2016, Rebecca Dixon, con của cặp vợ chồng Davina và Daniel Dixon đã đâm đơn kiện vị bác sĩ này. Vào năm 1989, bố mẹ cô tìm đến bác sĩ Barwin để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Mùa hè năm sau, họ hạnh phúc chào đón con gái Rebecca. Thế nhưng suốt 2 thập kỷ sau đó, Davina và Daniel luôn cảm thấy ngờ ngợ mỗi khi nhìn con, bởi anh chị có đôi mắt xanh, còn Rebecca lại có mắt nâu. Sau cùng ADN cho thấy Rebecca và Daniel không phải là cha con.

"Cảm giác đó như một luồng điện chạy khắp người tôi. Dù xét nghiệm máu một lần nữa, tôi và bố vẫn là 0%", Rebecca nói trên CNN. Tình cờ sau đó, ADN của Rebecca được xem có nét tương đồng với Kat Palmer (25 tuổi), người cũng được thụ tinh từ phòng khám này. Cũng như Rebecca, Palmer nghi ngờ về bản thân nên làm xét nghiệm. Ông bác sĩ Barwin buộc phải nhận chính là bố của Palmer. Điều này có nghĩa là Rebecca cũng là con gái của bác sĩ Barwin. Vụ việc của Rebecca và Kat đã gây chấn động ở Ottawa.

Tháng 11/2016, gia đình Rebecca quyết định đệ đơn kiện bác sĩ Barwin. Đầu tháng 4 vừa qua, các luật sư nói rằng những cuộc điều tra ADN cho thấy, ngoài mẹ của Rebecca và mẹ Palmer, còn có 9 người mẹ khác đã đến thụ tinh ở phòng khám của bác sĩ Barwin và đều là nạn nhân tương tự. ADN cũng cho thấy 16 người khác không phải là con của cha họ. Bác sĩ Barwin đã tự động lấy tinh trùng từ những người không danh tính để thụ tinh. Và hiện giờ cha sinh học của 16 người này vẫn là câu hỏi lớn.

Nhiều bác sĩ chữa hiếm muộn bị kiện vì đánh tráo tinh trùng - 2

Nhiều bác sĩ đã cấy tinh trùng của mình vào những phụ nữ hiếm muộn trong quá trình điều trị

ADN lật tẩy bí mật đen của vị bác sĩ chữa vô sinh

Thử đưa ADN của mình lên trang nghiên cứu phả hệ, người phụ nữ Mỹ phát hiện cô có quan hệ cha - con với một bác sĩ. Ban đầu, khi nhận được thông báo từ trang cung cấp thông tin phả hệ Ancestry.com, Kelli Rowlette nghĩ có sự nhầm lẫn. Theo kết quả từ trang này, cô có quan hệ cha - con với một bác sĩ xa lạ ở cách mình 800km. Thời điểm đó, Rowlette chưa hề biết 36 năm trước, bố mẹ mình bị hiếm muộn. Cô không biết mẹ từng phải thụ tinh nhân tạo và có thể chính bác sĩ chữa cho họ đã dùng tinh trùng của ông để làm việc này. Cuối tháng 4/2018, Rowlette đã gửi đơn kiện tới tòa án liên bang, cáo buộc Gerald E. Mortimer, một bác sĩ sản phụ khoa về hưu, về tội lừa dối và cẩu thả khi hành nghề.

Tuy nhiên, theo luật sư, khi Mortimer thực hiện thủ thuật vào mùa hè năm 1980, ông đã dùng chính tinh trùng của mình, mặc dù bản thân không hề có các đặc điểm giống như yêu cầu. Bà Ashby có bầu vào tháng 5/1981 và Mortimer đỡ đẻ cho bà. Mortimer tiếp tục là bác sĩ riêng cho gia đình bà Ashby vài năm nữa cho tới khi vợ chồng bà chuyển tới bang Washington. "Bác sĩ Mortimer đã khóc khi bà Ashby thông báo tin mình chuyển chỗ ở. Ông ta biết Kelli Rowlette là con ruột của mình nhưng không nói ra", luật sư cho hay.

Theo The Washington Post, mọi việc vẫn sẽ trong bóng tối nếu như năm 2017, Rowlette không gửi mẫu ADN đi kiểm tra. Lúc nhận kết quả, cô kể với mẹ và bà nhận ra ngay tên vị bác sĩ đã chữa vô sinh cho mình.  Bà Ashby nói lại việc này với ông Fowler, hiện đã là chồng cũ. Cả hai đều suy sụp nhưng quyết định không nói cho con gái biết rõ. Tuy nhiên vài tháng sau, Rowlette đã tự phát hiện ra sự thật. Tháng 8/2017, khi xem lại một số giấy tờ cũ, Rowlette thấy trên giấy khai sinh có chữ ký của vị bác sĩ đỡ đẻ cho cô - Gerald Mortimer - cũng là cái tên người có ADN trùng khớp nọ. Cô vô cùng sốc và báo tin này cho bố mẹ biết.

Bác sỹ ”khóc ròng” vì nhiều trang facebook mạo danh chữa vô sinh

Nhiều BS của BV Bưu điện bị lấy hình ảnh, thông tin để đăng tải quảng cáo chữa vô sinh, hiếm muộn trên các trang facebook...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hưng-L.T ([Tên nguồn])
Vô sinh hiếm muộn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN