Hành trình 12 năm ròng rã tìm con của cặp vợ chồng hiếm muộn

Kết hôn được 12 năm nhưng trong hành trình tìm con của mình, vợ chồng chị Huệ đã phải đối mặt với những khó khăn áp lực.

Tại Lễ Tổng kết chương trình Tuần Lễ Vàng 2024 với chủ đề: "Thắp sáng ước mơ gia đình hiếm muộn” diễn ra sáng ngày 19/5, vợ chồng Nguyễn Thị Huệ (1990) và anh Phùng Văn Tuấn (1981) quê ở Yên Mô, Ninh Bình chia sẻ về câu chuyện 12 năm ròng rã tìm con.

Kết hôn năm 2009, trong hành trình tìm con của mình, vợ chồng chị Huệ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn áp lực.

Các gia đình hiếm muộn chia sẻ câu chuyện của mình trên hành trình tìm con.

Các gia đình hiếm muộn chia sẻ câu chuyện của mình trên hành trình tìm con.

Suốt một thời gian dài, anh chị đã tìm đến rất nhiều phương pháp Đông Tây Y kết hợp, ai mách đâu có thuốc tốt thầy giỏi, hai vợ chồng đều nghe theo tới thăm khám nhưng không có kết quả.

Năm 2015, vợ chồng anh chị thực hiện thụ tinh nhân tạo - bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hai lần ở địa phương nhưng đều thất bại. Năm 2019, trong một lần thăm khám tìm nguyên nhân, anh Tuấn được chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch thừng tinh và thực hiện mổ can thiệp ngay sau đó, tuy nhiên hành trình tìm con của hai vợ chồng vẫn rơi vào vô vọng, con yêu "đi lạc" chưa chịu về.

Khó khăn chồng chất khó khăn, kinh tế ngày càng hạn hẹp, giữa những tháng ngày tưởng chừng như buông xuôi trước hoàn cảnh thì năm 2021, qua lời giới thiệu của người thân, gia đình chị Huệ anh Tuấn tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chị Huệ bị polyp buồng tử cung cần thực hiện phẫu thuật loại bỏ polyp trước khi bước vào quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Tháng 2/2021, ca phẫu thuật nội soi buồng tử cung mang đến niềm hi vọng về "tiếng cười con trẻ" đang đến rất gần với hành trình IVF phía trước. Cũng từ đây, may mắn bắt đầu mỉm cười với anh chị khi mọi quá trình kích trứng, chọc trứng, tạo phôi đều diễn ra thuận lợi.

Tháng 5/2021, vợ chồng anh chị vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên sau 12 năm hiếm muộn mong con được nhìn thấy chiếc que thử thai hiện 2 vạch rõ nét. Sau 9 tháng thai nghén chị Huệ hạ sinh một bé trai kháu khỉnh đáng yêu.

Hiện nay con trai đầu lòng của chị Huệ đã gần 3 tuổi. Mong muốn có thêm con để cho "vui cửa vui nhà", cuối năm 2023 vợ chồng chị Huệ quyết định quay lại Bệnh viện để tiếp tục chuyển phôi trữ đang có tại viện.

Sau quá trình thăm khám, canh niêm mạc chuyển phôi, tháng 1/2024 chị Huệ chuyển phôi trữ thành công, hiện tại chị đang mang thai ở tuần thứ 22 với một niềm hạnh phúc vô bờ.

Chia sẻ về hành trình tìm con, chị Huệ bày tỏ: “Em muốn nhắn nhủ đến các gia đình hiếm muộn mong con rằng mọi người nên thăm khám sớm để các bác sĩ có tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các gia đình hãy tin tưởng vào các y bác sĩ, kiên trì với hành trình tìm con của mình bởi lẽ nhất định con yêu sẽ về, chỉ là các con đến muộn 1 chút thôi". 

BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng Khoa Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, mong mỏi có con đối với mỗi người, mỗi gia đình là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm thấy con yêu một cách dễ dàng. Trong điều trị hiếm muộn, rào cản lớn nhất thường là vấn đề kinh tế.

Bệnh viện thực hiện chương trình “Tuần Lễ Vàng” bên cạnh mang ý nghĩa truyền niềm tin, động lực cho các gia đình mà trên hết là mong muốn mang đến những ưu đãi, hỗ trợ thiết thực trong thăm khám và điều trị hiếm muộn, rút ngắn hành trình tìm con, hiện thực hóa giấc mơ được làm cha làm mẹ.

Ths.Bs Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết, có nhiều gia đình là bệnh nhân của Bệnh viện đưa các em bé đến để tri ân, giao lưu cũng như chia vui với bệnh viện.

Sự xuất hiện của họ chính là động lực giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn đang điều trị được trực tiếp trao đổi, chia sẻ và chứng kiến trái ngọt của các gia đình đã thực hiện hỗ trợ sinh sản thành công, giúp họ có thêm niềm tin và động lực trên hành trình tìm con yêu.

"Chúng tôi thực sự cảm thấy rất hạnh phúc vì không chỉ mang đến những giá trị nhân văn cho cộng đồng mà còn là cầu nối để mọi người hiểu và sẻ chia với các gia đình hiếm muộn mong con, xóa bỏ rào cản tâm lý, định kiến xã hội cũng như lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng”, Ths.Bs Lê Thị Thu Hiền nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Lâu nay người ta vẫn thường nghĩ chuyện vô sinh hiếm muộn là do nữ giới nhưng sự thật thì tỉ lệ không có con do nam giới cũng khá cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN