Mỹ: Biến thể Omicron vô hiệu hóa hai loại thuốc hàng đầu chống COVID-19

Sự kiện: Sống khỏe

Khi các bệnh viện của Mỹ đang căng thẳng chuẩn bị cho một đợt tăng mới do biến thể Omicron. Các bác sĩ đang cảnh báo về một thách thức khác: hai loại thuốc tiêu chuẩn mà họ đã sử dụng để điều trị COVID-19 không có khả năng chống lại biến thể mới.

Túi thuốc kháng thể đơn dòng Renegeron được cho là thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả hàng đầu tại Mỹ giờ "bó tay" trước biến thể Omicron.

Túi thuốc kháng thể đơn dòng Renegeron được cho là thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả hàng đầu tại Mỹ giờ "bó tay" trước biến thể Omicron.

Trong hơn một năm qua, các loại thuốc kháng thể của Regeneron và Eli Lilly đã là phương pháp điều trị hàng đầu cho COVID-19, nhờ khả năng ngăn chặn bệnh nặng và giúp bệnh nhân không phải đến bệnh viện. Thế nhưng, gần đây, cả hai nhà sản xuất thuốc đã cảnh báo rằng, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy liệu pháp điều trị của thuốc này sẽ kém hiệu quả hơn nhiều đối với Omicron, vốn chứa hàng chục đột biến khiến các kháng thể khó tấn công virus hơn. Và trong khi các công ty nói rằng, họ có thể nhanh chóng phát triển các kháng thể nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron thì phải đợi ít nhất vài tháng nữa.

Một loại kháng thể thứ ba từ nhà sản xuất thuốc GlaxoSmithKline (viết tắt Glaxo) của Anh dường như tốt nhất để chống lại Omicron. Nhưng thuốc của hãng này không được phổ biến rộng rãi ở Mỹ, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng triệu liều được mua và phân phối bởi chính phủ liên bang. Các quan chức y tế Mỹ hiện đang phân phối nguồn cung cấp thuốc khan hiếm cho các bang.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, biến thể Delta vẫn chiếm hơn 95% ca COVID-19 tại Mỹ, thế nhưng các nhà lãnh đạo CDC cho biết Omicron đang lây lan nhanh hơn bất kỳ biến thể nào trong quá khứ và sẽ trở thành chủng virus thống trị trên toàn nước Mỹ trong vòng vài tuần.

Theo các công ty, thuốc điều trị của hãng Glaxo, được phát triển bằng công nghệ sinh học virus, được bào chế đặc biệt để liên kết với một phần của virus ít có khả năng đột biến. Các nghiên cứu ban đầu về Omicron mô phỏng trong phòng thí nghiệm của các nhà sản xuất thuốc và các nhà nghiên cứu bên ngoài cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn.

Thế nhưng, nguồn cung thuốc này cực kỳ hạn chế và các liều bổ sung của sản phẩm sẽ không có sẵn cho đến ngày 3/ 1 tới, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết trong một tuyên bố đăng trực tuyến.

Cơ quan này cho biết, họ đang phân phối thuốc của Glaxo tới các bang dựa trên mức độ nhiễm COVID-19 và tỉ lệ nhập viện. Họ cũng khuyến nghị các tiểu bang dành loại thuốc này cho những bệnh nhân có nguy cơ cao nhất, những người có nhiều khả năng bị nhiễm Omicron nhất.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi và những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như béo phì, bệnh tim, tiểu đường và rối loạn hệ miễn dịch.

Glaxo có trụ sở tại London cho biết họ đang trên đà sản xuất 2 triệu liều vào tháng 5, theo hợp đồng với Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Công ty đang làm việc để tăng thêm năng lực sản xuất trong năm tới.

Việc hai liệu pháp kháng thể hàng đầu không có tác dụng điều trị các ca COVID-19 nhiễm biến thể Omicron ở Mỹ càng khiến người dân Mỹ hy vọng nhiều hơn vào một cặp thuốc kháng virus rất được mong đợi mà các cơ quan quản lý Mỹ dự kiến ​​sẽ sớm cho phép.

Các loại thuốc của Pfizer và Merck sẽ là phương pháp điều trị đầu tiên mà người Mỹ có thể thực hiện tại nhà để chữa khỏi bệnh trầm trọng. Thuốc của Pfizer nói riêng đã cho thấy tác dụng mạnh mẽ, hạn chế gần 90% trường hợp nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tuy nhiên, nguồn cung ban đầu của cả hai loại thuốc dự kiến ​​sẽ bị hạn chế.

Sự thiếu thốn các loại thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả là một lời nhắc nhở đau đớn rằng, COVID-19 vẫn chiếm ưu thế ở Mỹ, ngay cả khi hơn 200 triệu người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Y tế: Biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, né tránh hệ thống miễn dịch

Đến ngày 17/12, thế giới đã ghi nhận biến thể Omicron tại 77 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN