Quần áo mới mua, chưa giặt đã mặc có thể khiến bạn mắc ung thư?
Trong quá trình sản xuất quần áo, người ta thường sử dụng rất nhiều hóa chất độc hại có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí có thể gây ung thư. Điều này có đúng không?
Rất nhiều người có thói quen mua quần áo mới về không giặt mà trực tiếp mặc luôn. Tuy nhiên, họ lại không biết trong quần áo mới hầu hết đều có tồn dư hóa chất chống nhăn – formaldehyde. Có thông tin cho rằng đây là chất có thể gây ra bệnh ung thư, sự thật có đúng như vậy không?
Tại sao lại có formaldehyde trên quần áo mới?
Formaldehyde là hóa chất thường được sử dụng trong quá trình sản xuất quần áo, dùng để loại bỏ nếp nhăn, giữ màu và chống ăn mòn. Do đó luôn tồn tại dư lượng formaldehyde trên vải vóc và quần áo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình quần áo mới chưa giặt sẽ phát tán ra khoảng 0,012 – 0,426 ppm formaldehyde mỗi ngày.
Formaldehyde có gây ung thư không?
Vào năm 1980, thông qua các thí nghiệm trên chuột bạch, một số nhà khoa học đã phát hiện ra chất formaldehyde có thể gây ra ung thư mũi ở chuột. Vậy nhưng chất này có thể gây ung thư ở người không? Đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này được tiến hành.
Năm 2003, một nghiên cứu của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ trên 25.619 công nhân tiếp xúc gần với formaldehyde tại nơi làm việc cho thấy, những người này có nguy cơ tử vong do ung thư máu cao hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, lượng formaldehyde có thể gây nên ung thư ở người là trên 4,0 ppm hoặc nồng độ trung bình trên 1,0 ppm, lớn hơn rất nhiều so với lượng quần áo phát tán ra hằng ngày như đã được đề cập ở trên.
Vào năm 2004, Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu khác để quan sát và theo dõi 11.309 công nhân làm việc trong các công xưởng nhà máy may mặc trong vòng hơn ba tháng. Kết quả chỉ ra rằng, có mối tương quan mật thiết giữa nguy cơ phơi nhiễm formaldehyde và bệnh bạch cầu.
Cũng trong năm 2004, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp formaldehyde vào các chất gây ung thư loại 1, ngang hàng với mức độ gây ung thư của thuốc lá.
Mặc quần áo mới chưa giặt có gây ung thư không?
Rất nhiều người không có thói quen giặt đồ mới mua. Trong một cuộc khảo sát trên 11.266 người cho thấy, chỉ có khoảng 22,8% số người giặt quần áo mới sau khi mua rồi mới mặc.
Khả năng gây ung thư của formaldehyde tỷ lệ thuận với nồng độ và thời gian tiếp xúc, trong khi đó đây lại là chất không ổn định, khó tích tụ trong cơ thể người. Nồng độ và thời gian phơi nhiễm với formaldehyde do mặc quần áo mới không thể so sánh với các công nhân làm việc lâu năm, tiếp xúc nhiều với hóa chất nồng độ cao, do đó nguy cơ mắc phải ung thư nếu mặc quần áo mới mà không giặt là rất thấp. Vậy nhưng thói quen này vẫn mang đến nhiều tác hại khôn lường.
Như đã nói, Formaldehyde là một chất độc hại, tuy dư lượng còn xót lại trong quần áo có nồng độ rất thấp không thể gây ung thư, nhưng nó vẫn có thể gây ra các vấn đề về đường hô hấp và kích ứng da. Chẳng hạn như chảy nước mắt, ho khan, ngứa họng, buồn nôn, dị ứng, phát ban, nổi ngứa và một số phản ứng khác.
May mắn rằng những tác hại này chỉ mang tính tạm thời. Nếu kịp thời loại bỏ formaldehyde khỏi quần áo, cơ thể sẽ trở lại bình thường mà không có thêm tổn thương nào quá nghiêm trọng.
Formaldehyde là một chất không ổn định, dễ bay hơi và hòa tan trong nước do đó ta có thể dễ dàng loại bỏ chúng ra khỏi quần áo nếu giặt giũ kỹ càng. Đặc biệt là đối với đồ lót và quần áo của trẻ em càng cần phải lưu ý giặt kỹ, tránh cho cơ thể tiếp xúc với dư lượng formaldehyde trên quần áo.
Đối với những loại quần áo yêu cầu phải giặt khô, chỉ cần phơi ở nơi thoáng gió trong vài ngày cũng có thể loại bỏ được phần lớn các chất hóa học độc hại như formaldehyde.
Một mẹo nhỏ khi mua quần áo để tránh mua phải những loại quần áo có tồn dư các chất độc hại là ngửi thử. Nếu như quần áo có mùi hăng khó chịu thì rất có thể nồng độ formaldehyde hoặc các hóa chất khác đã vượt quá tiêu chuẩn, chúng ta nên tránh mua những loại quần áo này.
Nguồn: [Link nguồn]
Không ít người cho rằng bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn...