Loại vi khuẩn nguy hiểm khiến người bệnh có thể tử vong chỉ sau 48 giờ

Sự kiện: Sống khỏe

Vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm cấp tính này có mặt ở khắp nơi. Tháng 8 đến tháng 11 là giai đoạn cao điểm các ca bệnh bùng phát. Đáng chú ý, vi khuẩn này có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh chỉ trong 48 giờ đồng hồ.

Vết xước nhỏ suýt cướp đi sinh mạng người bệnh

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Khoa vừa điều trị thành công cho trường hợp mắc bệnh Whitmore trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Bệnh nhân là Bùi Văn S (51 tuổi, Hòa Bình), có tiền sử đái tháo đường type 2. Ba tuần trước khi vào viện, ông S có một vết xước ở chân, kèm theo sốt cao được chẩn đoán nhiễm trùng huyết. 12 ngày điều trị kháng sinh liều cao tại bệnh viện tỉnh không đỡ, ông được chuyển lên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, vết xước đã hình thành ổ áp xe ở đùi, áp xe cơ cộng với viêm phổi…

Qua khai thác, bệnh nhân chỉ làm nông đơn thuần, tiếp xúc với đồng ruộng nên các bác sĩ tại khoa Truyền nhiễm đã nghĩ đến bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore (bệnh melioidossis). Kết quả cấy mẫu bệnh phẩm dương tính đúng như chẩn đoán ban đầu.

Loại vi khuẩn nguy hiểm khiến người bệnh có thể tử vong chỉ sau 48 giờ - 1

Kiểm tra hình ảnh chụp X -quang của bệnh nhân S mắc bệnh Whitmore tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TL

Tuy nhiên quá trình điều trị cho ông S khá phức tạp bởi ông đã điều trị kháng sinh liều cao dài ngày không đỡ, kèm theo đó là viêm và ổ áp xe ngày càng tăng nặng. 2 tuần đầu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ C, khó thở tăng lên vì viêm đông đặc phổi lan toả, phải hỗ trợ hô hấp, thở ô xy. Các ổ áp xe lúc này vẫn lan rộng, ăn vào tận xương gây viêm xương. Đã có lúc, gia đình xin bác sĩ đưa ông S về lo hậu sự vì tiên lượng quá thấp.

Sau nhiều lần hội chẩn liên khoa, nâng liều kháng sinh kết hợp mổ dẫn lưu ổ áp xe, nạo vét xương... đến ngày thứ 26, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và đáp ứng với phác đồ mới. Sau 37 ngày điều trị, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt và được xuất viện.

Ông S là một trong số 20 bệnh nhân nặng mắc Whitmore (căn bệnh bị lãng quên gần đây tăng nhiều trở lại) được chuyển đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ tới khoa Truyền nhiễm từ đầu năm đến nay.

Nhiều bệnh nhân mắc Whitmore khi nhập viện khoa Truyền nhiễm thường trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, rét run, suy gan, vùng phổi bị tổn thương nhiều, xuất hiện các ổ áp xe. Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm vẫn tiếp nhận 30-45 ca mắc bệnh này. Số người mắc và nhập viện tăng nhiều vào mùa mưa (tháng 7-11).

Bệnh nguy hiểm dễ “mạo danh” bệnh khác

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh Whitmore tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện. Thông thường, 40-60% bệnh nhân mắc Whitmore sẽ tử vong. Tỉ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn.

Tuy nhiên, do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như: Hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa... do dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết.

Về triệu chứng, khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ. Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí (đa áp xe), nhiễm trùng đường tiết niệu.

BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, người bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore có thể diễn biến thành nhiều thể bệnh khác nhau. Đối với người bị bệnh mãn tính trên người sẽ xuất hiện những vét loét, ổ nhiễm trùng kéo dài. Nếu bệnh nhân bị thể bán cấp sẽ âm thầm tái phát bệnh trong thời gian dài.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị cấp tính, người bệnh bị ngã xuống ao bùn hay ruộng, bị sặc bùn bẩn xuống phổi gây viêm phổi cấp tính, nhiễm trùng huyết cấp tính. “Nguy hiểm nhất là diễn biến tối cấp, gây ra nhiễm trùng huyết và sốc nặng, bệnh nhân có thể chết trong vòng 48 giờ. Người nhiễm khuẩn Whitmore có thể có nhiều thể bệnh khác nhau vậy nên không nhất thiết cứ bị nhiễm Whitmore là sẽ chết trong vòng 48 tiếng. Người dân không nên quá hoang mang", BS Trung Cấp nói.

Theo BS Trung Cấp, bệnh Whitmore chỉ lây từ ngoài môi trường vào người, hiện chưa có ghi nhận trường hợp nào lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, trong tình huống nếu có một bệnh nhân bị viêm phổi do khuẩn Whitmore điều trị chung với một bệnh nhân bị viêm phổi vì lý do khác, nếu hai người này trong quá trình điều trị sử dụng chung các vật phẩm như xông hút đờm, xông hút phổi thì có thể bị lây bệnh. Tuy nhiên với điều kiện y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện nay thì trường hợp này không thể xảy ra.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu người bệnh có bệnh cảnh và các triệu chứng kể trên thì phải đến ngay các bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị bệnh. BS Trung Cấp cho biết, việc điều trị bệnh này cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh mạnh, liều cao, kéo dài, Có trường hợp tử vong sau vài ngày, vài tuần nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng. “Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết. Ngoài ra, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong.

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: Sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...

Đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể.

Nam thanh niên biến chứng quai bị được bác sĩ “nhặt” từng “tinh binh”

Sau lần mắc bệnh quai bị vào năm 14 tuổi, anh L.C.T. ở Hưng Yên thấy một bên tinh hoàn teo dần. Gần 5 năm chạy chữa, cách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN