Lấy rác làm “nghề”, coi ung thư vì “nghiệp”

Sự kiện: Ung thư

Người dân làng nghề tái chế phế liệu Phù Lưu (thuộc phường Tràng Minh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) đang ngày một khá giả, tuy nhiên, “sinh nghề tử nghiệp”, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng cũng đang làm gia tăng số ca mắc bệnh ung thư trên địa bàn qua các năm.

Ung thư thành quen...

Gần 40 năm làm nghề thu gom, tái chế phế liệu, nên Tràng Minh cũng “đặc sệt chất nghề”. Về Tràng Minh, trên bờ hay dưới nước đâu đâu cũng cũng thấy phế liệu chất thành đống, đang phân huỷ và khói xanh từ việc đốt phế liệu lấy đồng, tái chế nhựa, bay mịt mù. Theo chính quyền địa phương, đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư bùng phát trong thời gian qua trên địa bàn phường Tràng Minh.

liệt kê những người trong tổ dân phố bị mất do ung thư, ông Trần Ngọc Hưởng - Tổ trưởng tổ dân phố Vinh Quang tỏ ra ngán ngẩm: “dễ đến gần chục người rồi mà các gia đình có người thân bị mắc bệnh ung thư vẫn chưa hết”.

Lấy rác làm “nghề”, coi ung thư vì  “nghiệp” - 1

Chất thải “âm thầm” đổ thẳng xuống hệ thống thoát nước thải chung.

Ông Hưởng cho biết, trong tổ dân phố, cứ vài nhà gần nhau thì lại có một người chết do ung thư, nên về Tràng Minh hỏi người chết vì căn bệnh này không khó tìm. Trong số những người chết vì ung thư đến thời điểm này, kinh hoàng nhất phải kể đến hộ gia đình anh Hoàng Văn Nguyện, nhà có 3 anh em thì cả 3 đều đổ bệnh, chết trẻ.

Theo ghi nhận của tổ dân phố, hầu hết số người bị mất do ung thư trong phường đều trong độ tuổi lao động, các bệnh ưng thư chủ yếu liên quan đến các bệnh về đường hô hấp như bị ưng thư họng, phổi, gan. Là những lao động phổ thông, hàng ngày làm thuê cho các cơ sở tái chế phế liệu, trực tiếp tiếp xúc với nguồn phế thải độc hại.

Ông Phạm Trung Đốc - Tổ dân phố Vinh Quang, vừa kể những cái tên Trần Huy Ba, Phạm Đình Long, Ngô Văn Tính…., vừa than thở: “sống trong môi trường ô nhiễm, hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với phế thải, cứ tình trạng này, chắc ung thư trở thành từ quen thuộc trong mỗi cái chết của người dân Tràng Minh mất thôi”.

Chưa có giải pháp

Đưa chúng tôi ra cái giếng trước nhà, ông Trần Hữu Bình- Tổ trưởng tổ dân cư Kiết Thiết - người cũng đang bị ung thư, múc lên một thùng nước giếng khơi đen kịt, mang đầy váng dầu mỡ, rồi phân trần:  sống ở vùng nửa quê, nửa tỉnh, mãi gần đây mới có nước máy để sử dụng. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn không dám sử dụng nước máy để sinh hoạt thường xuyên, nguồn nước giếng, nước mưa mặc dù có đầy váng dầu mỡ vẫn được tận dụng để tắm giặt…

“Biết sử dụng nước giếng nguy cơ mắc bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp cũng như nguy cơ ung thư ngày càng cao, nhưng sử dụng nước máy thường xuyên, với thu nhập bình thường của người lao động thì không có tiền để trả. Biết là nguy hiểm nhưng lực bất tòng tâm”.

Theo phản ánh của người dân, các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu không chỉ xả nước thải, nước ô nhiễm làm nhiễm bẩn nguồn nước. Nhiều chất thải độc hại như  a xít, chì từ ắc quy hỏng cũng được các cơ sở thu gom, làm sạch ngay tại phường Tràng Minh trước khi được đưa vào các cơ sở tái chế.

Chất thải a xít, chì được những cơ sở này “âm thầm” đổ thẳng xuống hệ thống thoát nước thải chung của phường Tràng Minh. Như vậy, nguồn nước thải càng trở thêm độc hại trước khi được đổ vào sông Đa Độ, một trong ba nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân Hải Phỏng.

Như đã phản ánh, nhằm  giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho làng nghề Tràng  Minh, UBND quận Kiến An  đang đề xuất đề án xây dựng hệ thống thoát nước thải cho làng nghề.

Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó bởi bài toán ngân sách. Đây không phải dự án cải thiện môi trường sống cho người dân lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn phường Tràng  Minh. Những năm trước, Hải Phòng cũng đã đầu tư xây dựng cho làng nghề Phù Lưu nói riêng, phường Tràng Minh nói chung một nhà tái chế phế liệu tập chung, nhưng do việc xây dựng nhà máy tái chế phế liệu không phù hợp với nhu cầu chung của làng nghề nên nhà máy đã bị bỏ hoang.

Việc Quy hoạch một khu tập trung thu mua, tái chế phế liệu cho làng nghề không chỉ là mong mỏi riêng của người dân phường Tràng Minh, không chỉ đơn thuần phục vụ người dân Tràng Minh, mà còn vì sự an toàn cho nguồn nước và bầu không khí toàn thành phố Hải Phòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Nhâm - Mạnh Thắng (Pháp luật & Xã hội)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN