HN: Chưa phát hiện chất độc trong trà sữa trân châu

Chiều ngày 3/6, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tại Hà Nội vẫn chưa phát hiện hạt trân châu và trà sữa trân châu có chất gây suy thận.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục An toàn Thực phẩm cho biết, ngay sau khi nhận được tin cảnh báo từ Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Đài Loan và Cơ quan lương thực thực phẩm và thú y Singapore liên quan đến việc có chất gây suy thận trong trà sữa trân châu, Cục đã lấy 6 mẫu hạt trân châu trên địa bàn Hà Nội để xét nghiệm.
 
Kết quả xét nghiệm, phân tích thành phần hóa học đã cho thấy, tại Việt Nam chưa phát hiện có chất axít maleic (chất không được phép sử dụng trong thực phẩm) trong các sản phẩm mẫu hạt trân châu.
 
Đối với trà sữa trân châu, lực lượng chức năng đã giám sát 13 mẫu, thì cả 13 mẫu có hàm lượng axít benzoic (từ 30,6-199,6 mg/kg sản phẩm) dưới mức giới hạn quy định của Bộ Y tế và không phát hiện có axít maleic.
 
Ông Hùng cho biết, hiện Cục An toàn Thực phẩm sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu hạt trân châu và trà sữa trân châu đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm phát hiện hóa chất độc hại để cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.

Trước đó, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Đài Loan (FDA) đã phát hiện trà sữa trân châu mang thương hiệu Sunright và hàng loạt các loại thực phẩm khác chứa lượng lớn a-xít maleic độc hại.

HN: Chưa phát hiện chất độc trong trà sữa trân châu - 1

Trà sữa và hạt trân châu Sunright

Ngay sau đó, Cục Thực phẩm nông nghiệp và Cơ quan Thú y Singapore (AVA) cũng ban hành văn bản cảnh báo đối với người tiêu dùng nước này. Mặc dù hàng loạt sản phẩm của Đài Loan bị phát hiện chứa a-xít maleic như cá viên, bánh khoai, mỳ khô nhưng chỉ riêng hạt trân châu của Sunright được nhập khẩu vào Singapore.

Thông báo trên website của AVA: “Cục thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan đã ban hành cảnh báo về a-xít maleic, một chất bị cấm sử dụng trong việc chế biến thực phẩm, đã xuất hiện ở một số mặt hàng ăn uống”.

Cơ quan chức năng cho biết việc thỉnh thoảng tiêu thụ một lượng nhỏ a-xít maleic có thể không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, tiêu thụ lượng lớn a-xít maleic trong thời gian dài có thể gây suy thận nặng.

Singapore đã thông báo về tác hại của hạt trân châu Sunright cho hệ thống cửa hàng địa phương để các cơ sở này ngưng bán và thu hồi sản phẩm. Hiện AVA đang tiến hành kiểm tra lượng a-xít maleic trong các loại hàng hóa, thực phẩm khác có xuất xứ từ Đài Loan.
 
Tháng 9-2012, Đức từng lên tiếng cảnh báo nhiều hóa chất độc hại thuộc loại PCB (polychlorinated biphenyls), vốn là một trong 12 loại hóa chất độc hại nguy hiểm nhất cần loại bỏ trên toàn cầu vào năm 2025 theo Công ước Liên Hiệp Quốc có trong hạt trân châu trà sủi bọt cũng xuất xứ từ Đài Loan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN