Giữa Thủ đô vẫn còn bệnh nhân tử vong do ho gà, bệnh dại

Sự kiện: Bệnh dại

Đây là thông tin được ông Hoàng Đức Hạnh- PGĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh 8 tháng và triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2016 do UBND TP tổ chức vào chiều 14/9.

Giữa Thủ đô vẫn còn bệnh nhân tử vong do ho gà, bệnh dại - 1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phòng dịch

Vẫn có người tử vong do ho gà, dại và liên cầu lợn

Đánh giá về tình hình dịch bệnh 8 tháng đầu năm nay, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Trong năm 2016, dịch bệnh do virus Zika tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. 

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền của virus Zika. Các nước khu vực Đông Nam Á cũng đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. 

Đồng thời, số ca mắc SXH tại một sốt quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đều ở mức cao hơn hoặc tương đương năm 2015 như: Singapore tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2015, Philippines tăng 16% so với cùng kỳ 2015...

Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh do virus Zikia tại Khánh Hòa, TP HCM và Phú Yên. Dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng đặc biệt tại một số tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên. 

Hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Ngành Y tế đã chủ động giám sát và phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính”

Cũng theo ông Hạnh thì đến hết 12/9/2016, trên địa bàn toàn Thành phố đã ghi nhận 983 bệnh nhân mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong; số người mắc giảm 48% so với cùng kỳ năm 2015 (1.887 trường hợp). 

Bệnh nhân phân bổ tại 29/30 quận, huyện (trừ thị xã Sơn Tây), các đơn vị có số mắc cao là Hoàng Mai (178), Hoài Đức (149), Hai Bà Trưng (97), Hà Đông (92), Đống Đa (68), Thanh Xuân (64). 

Đặc biệt, dịch bệnh có xu hướng gia tăng bắt đầu từ tháng 7, tăng mạnh vào tháng 8 và đầu tháng 9 vì thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lây truyền bệnh. 

Đáng lưu ý, thành phố đã ghi nhận 1.061 trường hợp mắc tay chân miệng, không có tử vong; 53 trường hợp mắc ho gà, 1 trường hợp tử vong; 13 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, không có tử vong; 11 trường hợp mắc liên cầu lợn, 1 trường hợp tử vong; 3 trường hợp mắc não mô cầu, không có tử vong; 2 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại.

Hà Nội nếu để xảy ra dịch sẽ rất phức tạp

Tham dự hội nghi, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã đánh giá cao sự chủ động phòng chống dịch năm 2016 của Hà Nội. Theo ông, Hà Nội nếu để dịch xảy ra thì rất phức tạp, bởi đây là đầu mối giao lưu, đi lại lớn của cả trong nước và thế giới.

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, hiện tình hình dịch SXH đang gia tăng mạnh ở các nước châu Á, châu Mỹ như Philippines với 101.000 người mắc, Malaysia là 73.000 người, Braxin hơn 1,2 triệu người. 

Trong nước, SXH đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Nhưng tại Hà Nội, nhờ có sự quyết liệt phòng chống dịch bệnh, phát hiện ổ dịch là phun dập dịch ngay nên số ca mắc không bùng lên.

"Dịch SXH nếu trước kia ngoài Bắc thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 7, tháng 8 thì hiện nay có biến đổi do nhiệt độ tăng lên. Chúng ta đang chủ yếu sống trong nhà nhiều tầng, nhiệt độ cao nên virus gây dịch có khả năng lây lan cao. Hiện tượng giao lưu đi lại trong một ngày của con người cũng rất lớn nên bệnh có thể đi từ quốc gia này đến quốc gia khác trong 1 ngày, còn trong vài giờ thì từ tỉnh này đến tỉnh khác..." - Ông Trần Đắc Phu lưu ý.

Sau khi nghe các đại biểu trình bày ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý một lần nữa lưu ý trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do đó từ nay đến cuối năm yêu cầu, các đơn vị liên quan phải tổ chức tốt công tác phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội cần phát động phong trào phòng chống dịch bệnh, phun hóa chất diệt muỗi; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh; Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật; Đảm bảo đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng chống dịch, làm tốt công tác cấp cứu; Biên soạn nội dung, in ấn tờ rơi, áp phích tuyên truyền dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; Tập huấn về phác đồ điều trị, giám sát bệnh nhân; Tổ chức kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các đơn vị...

“Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và SXH bằng các hình thức đa dạng, phong phú” – ông Quý chỉ đạo.

Ngoài ra, với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND Thành phố đề nghị cần tập trung triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” nhằm vận động mọi tổ chức, người dân tham gia chiến dịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Huyền (Infonet)
Bệnh dại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN