Đổ bệnh vì nắng nóng

Sự kiện: Sống khỏe

Chỉ riêng tại TP HCM, lượng bệnh nhân cả người lớn và trẻ em đến khám tại các bệnh viện ở thời điểm này tăng hơn 20% so với ngày thường

Mất 3 giờ đi từ Đồng Nai lên TP HCM khám trong tình trạng đổ mồ hôi nhiều, 2 mẹ con chị N.T.H (30 tuổi) cũng đã đến được Bệnh viện Nhi Đồng 2. Con gái 4 tuổi chị H. bị sốt, ho, sổ mũi mấy ngày trước đó nhưng uống thuốc không bớt. "Bé sốt cao, đau bụng, được chẩn đoán bị sốt siêu vi gây rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ cho biết tình trạng của bé có thể điều trị ngoại trú nên được kê thuốc, chế độ dinh dưỡng và hẹn tái khám" - chị H. nói.

Dồn dập nhập viện

ThS-BS Ngô Thị Minh Nhi, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết những ngày qua, tỉ lệ trẻ nhập viện khám và điều trị tăng hơn 20%. Trong đó, 2 nhóm bệnh thường gặp nhất là đường tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột…) và hô hấp (nhiễm siêu vi, từ nhiễm siêu vi có khoảng 20% biến chứng sang viêm phổi, viêm tiểu phế quản). Riêng 2 nhóm bệnh này, tại khoa tiếp nhận khoảng hơn 150 ca bệnh/ngày.

Theo BSCK1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Nhi Đồng 2, nắng nóng hiện nay trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng (sốc nhiệt); các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…). Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ. Dấu hiệu nhóm bệnh này là nếu trẻ đang hoạt động trong môi trường nóng kéo dài với các triệu chứng như sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh, nôn ói, lừ đừ, đi đứng không vững, thậm chí hôn mê, co giật, cần nghĩ tới trẻ bị sốc nhiệt.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Bác sĩ thăm khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Đối với các bệnh lý đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng sẽ có các triệu chứng như: nôn ói, sốt, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng,… Nếu xuất hiện các dấu hiệu trẻ không tỉnh táo, lừ đừ, không uống được, bỏ bú, mất nước, khóc không có nước mắt, tiêu chảy trên 2 ngày không giảm kèm sốt, đau bụng, nôn ói…, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ phải hoạt động ngoài trời nên che chắn cẩn thận (đội mũ, áo dài tay, nơi hoạt động có mái che, bóng râm…), có thể bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Tránh những thời điểm nhiệt độ tăng cao và tia cực tím có cường độ cao nhất trong ngày (khung giờ từ 10-14 giờ), thời gian hoạt động ngoài trời phù hợp trong thời điểm này là dưới 60 phút/ngày.

Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh nên tạo thói quen tốt cho trẻ (rửa tay sau mỗi hoạt động ăn, chơi, vệ sinh). Bên cạnh đó, luôn tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ không bị mất nước do nhiệt độ cao và tăng cường sức đề kháng. "Hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng vì dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để giảm khả năng mắc bệnh và được bảo vệ qua mùa nắng nóng" - bác sĩ Phú cảnh báo.

Tăng nguy cơ đột quỵ

Thời tiết khắc nghiệt khiến trẻ nhập viện nhiều thì người lớn, đặc biệt người mắc bệnh mạn tính, cao tuổi cũng đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tại Bệnh viện Thống Nhất, những ngày qua, lượng bệnh nhân đến khám tăng khoảng 20% so với bình thường. BSCK2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 2.500 lượt bệnh nhân đến khám liên quan đến các bệnh về hô hấp, siêu vi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Những người liên quan đến huyết áp, mạch vành, thần kinh thì nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao.

Tại Hà Nội, mới đây các bác sĩ cũng tái thông mạch máu cứu kịp một nam thanh niên 32 tuổi đột quỵ khi đang chơi thể thao. Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, những ngày qua đã có không ít người trẻ cấp cứu kiểu như vậy. Nhiều người may mắn được cứu sống nhưng có trường hợp đã không qua khỏi.

Theo các chuyên gia, thời tiết cực đoan là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người có bệnh nền hoặc lạm dụng các chất kích thích. Với người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não..., nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, tiết nhiều mồ hôi gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu lưu thông kém, làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông, tắc nghẽn mạch, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Lý giải thêm về đột quỵ trong lúc chơi thể thao, các bác sĩ cho rằng thể thao hay nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ. Nguyên do là người bệnh đã có sẵn bất thường trước về mạch, nắng nóng hay gắng sức chơi chỉ là yếu tố thuận làm tăng nguy cơ. Do đó, khi nắng nóng, cần chú ý đến điều kiện tập luyện, tránh thời điểm nắng nóng nhất (từ 12-16 giờ). Bởi nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng cơ thể sẽ có nguy cơ bị đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Trước tình trạng nắng nóng gay gắt hiện nay, Bộ Y tế cảnh báo tình trạng này sẽ còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, mỗi người phải biết tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Nếu phải làm việc ở ngoài trời, di chuyển đường dài thì hạn chế đi ra ngoài trong thời gian từ 10-16 giờ. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động, chống nắng, thông thoáng, che chắn khi làm việc ngoài trời. Đối với nhóm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, COPD, hen, đái tháo đường… thì càng cẩn trọng.

Biểu hiện sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Mức độ nhẹ: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt,…) và có thể tử vong. "Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát" - các bác sĩ khuyến cáo. 

Chú ý bù nước

Theo các bác sĩ, mất nước là nguyên nhân chính dẫn đến sốc nhiệt. Hãy uống nước trước khi cảm thấy khát bởi nếu cơ thể cảm thấy khát nước thì việc bù nước đã bị chậm trễ. Cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày. Nếu hoạt động trong môi trường nóng hoặc tập thể dục thì cần một lượng nước lớn hơn. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Khi ở bên ngoài, cố gắng uống 1 ngụm nước (khoảng 20 ml) mỗi 20 phút. Đặt hẹn giờ để nhắc nhở uống nước. Nước lọc giúp cơ thể giữ nước tốt nhất…

Nguồn: [Link nguồn]

Trong những ngày nắng nóng, nhiều người thường thích uống nước đá, nước lạnh hoặc ăn nhiều đồ mát để có cảm giác giải khát và hạ nhiệt cơ thể. Tuy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HẢI YẾN - NGỌC DUNG ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN