Dị ứng thuốc ngày càng đáng sợ!

Sự kiện: Sống khỏe

Trong một tài liệu khoa học gần đây, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết có đến 65,8% trường hợp dị ứng thuốc là do người bệnh tự ý mua thuốc uống

Mới đây, tại Hà Nội đã xảy ra trường hợp 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Liền sau đó, ở Long An, một nữ bệnh nhân trẻ cũng tử vong sau khi được tiêm kháng sinh. Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng tập trung làm rõ là vấn đề sốc phản vệ.

Dị ứng nặng có thể tử vong

Trước đó, tại TP HCM đã xảy ra trường hợp dị ứng thuốc nghiêm trọng ở một bệnh nhân nam 55 tuổi. Ông đến Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM khám trong tình trạng bị nổi ban đỏ khắp người kèm các mụn nước, bóng nước, có chỗ đã bị hoại tử, bị viêm loét ở miệng và bộ phận sinh dục.

Bệnh nhân cho biết trước đó, ông có sử dụng một loại thuốc dành cho người bệnh gút, dùng khoảng 20 ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nêu trên. Tại Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Đại học Y Dược, các bác sĩ (BS) xác định ông bị dị ứng thuốc. Ông nhập viện điều trị và sau 10 ngày thì sức khỏe tạm ổn, xuất viện. Rất may là ông đã tránh được hậu quả xấu.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 42 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang đến BV vì có các thương tổn da tương tự. Trước đó, bà đã sử dụng một loại kem thoa da không rõ nguồn gốc với mục đích tẩy tế bào chết, làm trắng mịn da. Sau khi dùng liên tục 10 ngày, bà bắt đầu có biểu hiện bệnh. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các BS chẩn đoán bà bị hội chứng Steven Johnson do dị ứng với mỹ phẩm.

BS Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Đại học Y Dược, cho biết gần đây, BV đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị dị ứng thuốc, đa số là dị ứng thuốc kháng sinh, chống co giật, điều trị gút... Không ít trường hợp còn do dị ứng với các loại mỹ phẩm như kem trộn làm trắng da.

Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng là nạn nhân của loại dị ứng nguy hiểm này. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), Khoa Cấp cứu của BV là nơi thường xuyên tiếp nhận những trẻ dị ứng thuốc, trong đó có trường hợp chỉ uống thuốc trị ho cảm cũng bị.

“Bị dị ứng nhẹ thì đỏ da, nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu, buồn nôn, nôn, có khi tiêu chảy...; còn dị ứng nặng thì tím tái, ngưng tim, ngưng thở, huyết áp hạ, tiêu tiểu không tự chủ và có thể dẫn đến tử vong sau ít phút” - BS Tiến cảnh báo.

Dị ứng thuốc ngày càng đáng sợ! - 1

Một trường hợp bị dị ứng thuốc đã được điều trị tại BV Đại học Y Dược TP HCM

Hiểm họa từ thuốc giả

Giới chuyên môn cho biết dị ứng thuốc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trung bình từ 25-47 tuổi, nam nhiều hơn nữ, tỉ lệ tử vong khoảng 5%. Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng hiện nay, tỉ lệ dị ứng thuốc ở Việt Nam có xu hướng gia tăng do việc sử dụng thuốc bừa bãi.

BS Trần Thiên Tài cho biết có 4 nhóm nguyên nhân gây ra hội chứng Steven Johnson. Một là do dị ứng thuốc (thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc điều trị gút, thuốc kháng viêm giảm đau, vắc-xin...). Hai là do nhiễm trùng, nhiễm siêu vi. Ba là do bệnh lý ác tính và bốn là do vô căn.

Khi bị dị ứng, triệu chứng bệnh là sốt, mệt mỏi, ho, viêm họng, đau khớp, nôn ói, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể thay đổi ý thức, lơ mơ, hôn mê; xuất hiện các hồng ban đa dạng ở da, niêm mạc, nhiều mụn nước, bóng nước, có nhiều chỗ trợt và hoại tử da…; viêm kết mạc, chảy máu dưới kết mạc, loét giác mạc, viêm đường sinh dục tiết niệu... Người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm như bồi hoàn đầy đủ nước và điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, chăm sóc vùng da và niêm mạc bị trợt, hoại tử...

“Khi người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng kể trên và nghi ngờ dị ứng thuốc - đặc biệt trước đó có sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm - thì cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá, chẩn đoán, điều trị kịp thời nhằm tránh những hậu quả nặng nề” - BS Tài khuyến cáo.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hằng năm, ngành y tế TP đã đình chỉ, buộc thu hồi hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí độc hại. Các sản phẩm này chủ yếu tự pha trộn để bôi ngoài da, có chứa corticoid nên lúc mới dùng thấy hiệu quả tức thời nhưng nguy cơ dị ứng về sau rất đáng lo ngại. Với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/hộp, những sản phẩm này bán đầy trên thị trường, nhất là gần các khu chế xuất, khu công nghiệp và các nữ công nhân rất dễ trở thành nạn nhân của chúng.

Nếu là thuốc giả, tác dụng phụ lên đến 1/10

Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ BV TP HCM, bệnh nhân có thể dị ứng thuốc do sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì ở thuốc giả lên đến 1/10! Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định; dùng thuốc không chú ý đến các đặc điểm tương tác, tương kỵ và dị ứng thuốc; những người có cơ địa dị ứng đã hoặc đang mắc các bệnh dị ứng thì cũng dễ dị ứng thuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người lao động)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN