Chuyên gia lưu ý quan trọng để cha mẹ giữ sức khỏe cho trẻ khi trời trở lạnh

Sự kiện: Bác sĩ của bạn

Trời trở lạnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém nên rất dễ bị nhiễm bệnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (1/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp Bắc Bộ và tiếp tục ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, sau đó đến Trung Trung Bộ.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai cảnh báo, trời trở lạnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng còn kém nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Để con đến trường tránh bệnh tật, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ ấm đúng cách cho trẻ.

(Ảnh minh họa- TTX). 

(Ảnh minh họa- TTX). 

Với thời tiết giá lạnh như hiện nay, người già và trẻ nhỏ rất dễ mắc phải nhiều bệnh. Khi nhiệt độ giảm sâu, trẻ rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với những trẻ phải đến trường trong ngày lạnh.

Bởi vậy, điều quan trọng nhất với trẻ đi học trong buổi sáng rét mướt là phải giữ ấm toàn thân cho trẻ. Điều đáng nói, nhiều trẻ lại nhiễm lạnh, vì sai lầm của cha mẹ.

Khi đưa trẻ đến trường, nhiều cha mẹ mặc ấm nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu. Ngược lại nhiều cha mẹ lại ủ ấm quá kỹ với suy nghĩ “càng kín càng tốt”. Việc làm này đôi khi lại có thể gây thêm bệnh cho trẻ. Bởi thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết đột ngột.

Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, ngực, đầu rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm trên da khiến trẻ bứt rứt, khó chịu.

Có cha mẹ khi đưa trẻ đến trường lại cho con ngồi trước xe máy. Dù trang bị kín trẻ vẫn có khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản hay viêm phổi do gió lạnh. Việc trẻ ngồi trước còn hít phải khói, bụi gây khởi phát các cơn hen phế quản, viêm mũi, đặc biệt ở những trẻ cơ địa dị ứng và có sức đề kháng kém. Bởi vậy, khi ra ngoài trời, cha mẹ nên để bé ngồi sau xe đeo đai an toàn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thời tiết lạnh còn có thể kèm theo mưa rét buốt, thậm chí mưa rào nặng hạt. Vì thế, cha mẹ cố gắng đảm bảo trẻ không bị ướt, quần áo không bị ngấm nước mưa khi đưa trẻ đến trường. Ngoài quần áo mưa, cha mẹ có thể chuẩn bị túi nilon để chùm tay và chân cho trẻ. Trong những ngày thời tiết lạnh sâu, cha mẹ cần chủ động theo dõi nhiệt độ thời tiết trong ngày qua bản tin thời sự để cân nhắc có nên đưa trẻ tới trường hay không.

Ngoài ra, theo PGS Dũng, trời lạnh cha mẹ thường có thói quen giữ trẻ trong nhà kín gió, không cho ra ngoài. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D, giảm sức đề kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm.

PGS Dũng cũng lưu ý, cha mẹ để ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa lạnh, cho trẻ uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Mùa lạnh thường có virus tiêu chảy nên việc ăn uống cho trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, nóng sốt. Vệ sinh, rửa tay cho trẻ thường xuyên để tránh tay mang mầm bệnh.

Khi trẻ bị ho kéo dài thì cần đưa trẻ đi khám chứ không nên tự ý mua thuốc, mua kháng sinh cho trẻ về điều trị tại nhà. Nếu trẻ mắc cúm, nhiễm virus bị ho, sổ mũi mà cha mẹ lại dùng kháng sinh bệnh sẽ không khỏi mà còn nặng hơn.

Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng thuốc, không đủ liều còn khiến trẻ dễ kháng kháng sinh, bệnh nhẹ cũng khó khỏi.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia đầu ngành nói gì về việc cứ thấy con ho, sốt là bố mẹ đưa đi xét nghiệm Adenovirus?

Với trường hợp dương tính Adenovirus, có trường hợp dương tính giả và âm tính giả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Bác sĩ của bạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN