Choáng với thuốc "lạ" chống tai biến

Vừa qua, tòa soạn nhận được gói thuốc lạ của một người dân mua được trên địa bàn Hà Nội. Gói thuốc lạ dạng bột màu vàng, đóng trong túi nilon nhỏ có ghi “Thuốc phòng chống tai biến” kèm theo hướng dẫn sử dụng được đánh máy in trên tờ giấy nhỏ.

Điều đáng nói là loại thuốc được cho là phòng chống được tai biến - một bệnh đến nay y học vẫn coi là nan y đã khiến nhiều người dân có nhu cầu tò mò lùng mua. Phóng viên đã tiến hành thâm nhập vào trung tâm sản xuất loại thuốc này ở Hà Tĩnh để tìm hiểu sự thật.

Mập mờ tên thuốc

Sau cả đêm bị nhồi, nửa nằm nửa ngồi, lắc lư trên chuyến xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, hơn 5h sáng, chúng tôi đã có mặt tại Hà Tĩnh. Trời mưa tối mặt tối mũi nên cả tiếng đồng hồ mới  gọi được xe ôm. Giả bộ muốn tìm đến địa chỉ đã ghi trên gói thuốc: Ông Tiếu thuốc bắc - thôn An Tiên - Xuân Giang - Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Mới đọc địa chỉ, anh xe ôm nói luôn: “Tưởng anh tìm ai, hóa ra là ông lang Tiếu. Ông này nổi tiếng với bài thuốc chữa thương hàn đấy”. Lại mất gần 50 cây số để chạy từ bến xe Hà Tĩnh ngược ra huyện Nghi Xuân khi trời vẫn mưa tầm tã, gió thổi mạnh.

Do đã nhờ từ trước nên anh xe ôm đồng ý cùng tôi vào hỏi mua thuốc của ông Tiếu (do tiếng địa phương rất khó nghe - pv). Ngay cổng vào nhà ông Tiếu có một cửa hàng bán các loại thuốc bắc, mùi thơm của thuốc bắc nức một góc. Tiến vào trong phía sân nhà, tôi đặng hắng gọi mấy lần nhưng không thấy ông Tiếu trả lời. Mãi sau, trước hiên ngôi nhà bên cạnh (nhà của con trai ông Tiếu-pv) có người đàn ông ngoài 40 tuổi, mặc áo may ô trắng hỏi: “Mấy chú vô có việc chi?”. Tôi trả lời: “Tìm ông Tiếu thuốc bắc để mua thuốc chống tai biến”.

Choáng với thuốc "lạ" chống tai biến - 1

Con trai ông Tiếu trao đổi với phóng viên về gói thuốc phòng chống tai biến. Ảnh: Văn Hậu

Người này nói: “Thuốc chống tai biến hôm nay hết hàng rồi, chú muốn mua phải đợi 5 đến 7 ngày tới”. Tôi nhờ luôn: “Dạ, vì em vào nhập học ở Đại học Vinh nên chờ cũng được. Nhưng tiện thể cũng muốn gặp luôn ông Tiếu để nói qua bệnh tình của mẹ em xem ông Tiếu có giúp được gì không”. Người đàn ông vừa nãy nói: “Vậy thì cậu chờ chút, tôi gọi ông Tiếu ra”. Khoảng 15 phút sau, từ phía trong nhà, ông Tiếu bước ra. Ông cũng hỏi vào tìm mua chi? Khi nghe tôi hỏi mua thuốc chống tai biến, ông Tiếu nói để xuống kiểm tra dưới cửa hàng xem còn không.

Đợi ông vào nhà mặc thêm chiếc áo cổ Tàu, bước xuống hiệu thuốc, lúc sau, ông ra nói: “Thuốc đó hôm nay hết rồi. Nếu tiện, anh chạy sang nhà con dâu tôi ở gần đây thôi, cứ hỏi nhà Sâm Yến là sẽ có bán gói thuốc này”. Nói đoạn, ông Tiếu đi vào nhà. Để kéo ông Tiếu nán lại chút ít, tôi hỏi: “Mẹ cháu bị huyết áp cao, liệu có dùng được loại thuốc này không”. Ông Tiếu vẫn đứng từ xa nói: “Thuốc đó dùng cho mọi lứa tuổi, để phòng là chính mà. Nếu bị tai biến rồi thì làm không hiệu quả”. Ông tiếp: “Bài thuốc này do tôi chế ra, dựa theo nhiều bài thuốc của Trung Quốc.

Chỉ cần “trộn thật đều bột thuốc với lòng trắng trứng gà (một quả trứng chỉ lấy lòng trắng) rồi đắp lên lòng bàn chân trước khi đi ngủ, đắp qua đêm sáng ra thấy có màu xanh cửu long là được”. Ông Tiếu cũng lưu ý để thuốc có hiệu quả: nam đắp chân trái, nữ đắp chân phải. Theo ông Tiếu, việc đắp thuốc này lên lòng bàn chân qua một đêm sẽ hút các độc tố trong cơ thể giúp chống các nguy cơ tai biến. Điều đặc biệt theo ông Tiếu là gói thuốc này chỉ cần dùng một lần là có thể phòng chống tai biến được rồi.

Choáng với thuốc "lạ" chống tai biến - 2

Thuốc… phòng “không biết”, xã “không hay”

Trước những thông tin mập mờ về gói thuốc có khả năng phòng chống tai biến này, chúng tôi đã hỏi một số người dân đang sống tại thôn An Tiên hoặc trong xã Xuân Giang. Chị T., nhân viên bán xăng dầu tại cây xăng gần nhà ông Tiếu cho biết: “Ông lang Tiếu có bài thuốc chữa thương hàn tốt lắm, còn với gói thuốc “phòng chống tai biến” cũng chỉ mới xuất hiện gần đây thôi. Chủ yếu ông bán cho những người quen. Tôi cũng mua cho mẹ tôi hơn 70 tuổi đắp thử một gói. Công dụng thế nào thì tôi chưa biết, mua vì tin ông Tiếu thôi!”.

Được biết gói thuốc này được bán ra thị trường với giá là 50.000 đồng/gói. Phóng viên cũng đã trực tiếp mang gói thuốc này gặp ông Lê Hồng Lựu - Chủ tịch UBND xã Xuân Giang. Ông Lựu hết sức bất ngờ khi biết có loại thuốc như vậy được bán trên thị trường. Sau khi cầm và đọc một số thông tin trên gói thuốc, ông Lựu cho biết: “Mặc dù không hiểu về chuyên môn y dược, song việc nói thuốc có khả năng phòng chống tai biến và dùng chỉ một lần có thể phòng được tai biến thì không thể có chuyện đó”. Về thông tin cá nhân ông Tiếu, ông Lựu cho biết thêm: “Ông Tiếu trước đây là Trưởng trạm y tế xã Xuân

Giang, sau đó về nghỉ chế độ 130. Hiện nay, ông cắt thuốc bắc tại nhà”. Khi PV hỏi ông Tiếu có giấy phép hành nghề không?, ông Lựu khẳng định: “Ông Tiếu có chứng chỉ hành nghề”. Ông Lê Hồng Lựu cũng cho PV biết: “Trước thông tin tồn tại loại thuốc này trên địa bàn Hà Tĩnh, sẽ thông tin với ngành y tế trên địa bàn để kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn”.

Chúng tôi cũng đã mang gói thuốc và làm việc trực tiếp với BS. Trần Văn Ất - Trưởng phòng y tế huyện Nghi Xuân. Sau khi xem gói thuốc, ông Ất khẳng định: “Lần đầu tiên được biết và nhìn thấy gói thuốc này”. Với riêng trường hợp của ông Tiếu, BS. Ất cho biết: “Ông Tiếu có cắt thuốc bắc tại nhà, song không căng biển, bốc thuốc mang tính chất gia truyền”. Phòng y tế chỉ tăng cường kiểm tra những cơ sở đăng ký nhà thuốc có treo biển. Với những người hành nghề thuốc kiểu gia truyền thì “không thể quản lý hết nổi vì nhân lực phòng y tế có hạn”. Khi PV nói: “Gói thuốc này được bán ở nhiều tỉnh như Hà Nội, bến xe Vinh và ngay tại Hà Tĩnh và đã có nhiều đơn thư của người dân phản ánh”, BS. Ất cho biết: “Tại địa phương, phòng y tế chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân, tuy nhiên sẽ tiến hành kiểm tra thông tin này”.

Trao đổi với người trực tiếp quản lý việc hành nghề của ông Tiếu, BS. Nguyễn Văn Chương - Khoa y học cổ truyền BVĐK huyện Nghi Xuân, Hội trưởng Hội Đông y huyện Nghi Xuân cho biết: “Ông Tiếu là hội viên Hội Đông y lâu năm, hiện tại, giấy phép hành nghề không có (trước đây thì không rõ có hay không-pv), đã điều trị được một số bệnh nhất định như thương hàn. Với riêng gói thuốc phòng chống tai biến như phản ánh, đứng về góc độ chuyên môn thì “không có cơ sở khẳng định”.

Về mẫu mã, bao bì, thành phần, hướng dẫn sử dụng đều rất mơ hồ, không đúng quy định. Giải thích về hiện tượng khi bó thuốc vào lòng bàn chân, thuốc sẽ đổi màu , BS Chương khẳng định: Việc một số hoạt chất trong thành phần bột thuốc nói trên do tác động từ môi trường bên ngoài thẩm thấu hoàn toàn có khả năng gây biến màu. Nói là hút độc tố là không có cơ sở. Hiện tại, đối với bệnh tai biến, Tây y chưa có thuốc đặc trị, Đông y gọi là “trúng phong” (kinh lạc hay tán phủ) có thể điều trị bằng “thiên ma câu đặng ẩm” kết hợp với châm cứu xoa bóp. Hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng và điều trị căn bệnh này.

Như vậy, việc đưa ra thị trường một loại thuốc phòng chống tai biến mà chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cấp phép là vi phạm luật. Song, việc các cấp ngành trên địa bàn huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh lại không hề hay biết sự tồn tại của loại thuốc với cách sử dụng rất mơ hồ này thì quả là lạ. Rất mong chính quyền địa phương, phòng y tế huyện sớm vào cuộc kiểm tra cơ sở, đồng thời đưa ra những khuyến cáo rộng rãi với người dân trước loại thuốc phòng chống tai biến này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Hậu (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN