Đã có người đột quỵ vì nắng nóng

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em và người già. Đây là đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu hè tới nay kéo dài gần một tuần, với nhiệt độ nhiều nơi lên trên 40 độ C. Nhiều nơi bắt đầu “khát nước”, cháy rừng...

Đổ bệnh, tử vong vì nắng nóng

5 giờ chiều, phòng khám của BS Thắng (bệnh viện Nhi Trung ương) tại ngõ 98 đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, Hà Nội đông kín bệnh nhân. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi, mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy. “Cháu nhà em mới hơn một tuổi bị sổ mũi, ho nhiều. Đến bệnh viện Nhi Trung ương khám, nhưng đông quá đành quay về phòng khám tư ngoài giờ cho nhanh”, chị Thanh ở Cầu Diễn, Hà Nội cho biết.

Còn tại bệnh viện Nhi Trung ương, từ sáng sớm, bệnh nhân đã ùn ùn kéo đến viện. BS Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa khám bệnh (bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết trời quá nóng sẽ có nhiều bệnh nặng, đặc biệt là bệnh do virút, bệnh ngoài da, tiêu hoá; hiện mỗi ngày khoảng 2.500 – 3.000 bệnh nhân đến khám. TS Lê Ngọc Thành, giám đốc trung tâm Tim mạch (bệnh viện E) cảnh báo, khi nắng nóng ngoài trời lên tới hơn 40 độ C sẽ gây huyết áp tăng và tai biến về tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong nhanh.

Đã có người đột quỵ vì nắng nóng - 1

Bệnh nhi đến khám rất đông ở bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lệ Hà

Tại bệnh viện Lão khoa quốc gia, BS Nguyễn Văn Long, khoa khám bệnh, cho biết những ngày qua, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 60 bệnh nhân đến khám, tăng 30% so với những ngày trước đó. Những ngày qua, bệnh viện cấp cứu một số ca là người cao tuổi bị đột quỵ do những ngày nghỉ đi chơi xa cùng gia đình. BS Long nhận định, với thời tiết nắng nóng kéo dài, số bệnh nhân đột quỵ có tiền sử huyết áp, tim mạch sẽ còn tăng; người cao tuổi, trẻ nhỏ không nên ra đường vào thời gian từ 10 – 15 giờ; nên uống nhiều nước, ăn trái cây giải nhiệt, uống thêm nước có khoáng chất để cơ thể không mất nước bởi nắng nóng.

Nhiều nơi bắt đầu “khát nước”, cháy rừng

Dù chưa vào mùa nắng nóng cao điểm, vậy mà nhiều nơi ở Quảng Ngãi, người dân phải chạy từng... bữa để có nước sinh hoạt. Ở xã Trà Phong, trung tâm của huyện Tây Trà, người dân phải đi vài kilômét để cõng nước về sinh hoạt. Bà Hồ Thị Ưng cho biết, ở xã này có công trình nước sạch nhưng bị hư nặng, do vậy nhiều làng phải tập trung lấy nước tại một cái giếng ở thôn Trà Nêu. Có điều, để lấy được nước ở giếng này, nhiều gia đình phải cử hẳn một người “chuyên trách” lấy nước sinh hoạt. Gia đình nào không có người chuyên trách thì phải mua với giá trên dưới 5.000 đồng/can (khoảng 20 lít). Không chỉ ở huyện vùng cao Tây Trà, mà ở các huyện vùng đồng bằng, khu kinh tế Dung Quất, nắng nóng làm cho nhiều thôn, làng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tại Đà Nẵng, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nên trong những ngày qua, nước mặn đã xâm nhậm sâu vào vùng hạ lưu sông Hàn, sông Yên. Tại khu vực nhà máy nước Cầu Đỏ (nơi cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố Đà Nẵng), mực nước xuống thấp và nhiễm mặn, gây khó khăn lớn cho sản xuất nước sạch. Nhà máy nước Cầu Đỏ hiện có hai bể chứa với tổng dung tích 20.000m3, chỉ đủ để cung cấp cho thành phố khoảng trong 3 giờ. Do đó, nhà máy phải vận hành liên tục nhằm đảm bảo luôn có nguồn nước cung cấp cho người dân.

Sau hơn mười giờ chữa cháy, đến rạng sáng ngày 3.5, đám cháy ở tiểu khu 11 thuộc rừng đặc dụng Nam Hải Vân (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) mới được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, có khoảng 100ha rừng bị thiêu rụi. Ngoài ra, rừng do một số hộ dân trồng ở khu vực này cũng bị cháy đen. Nguyên nhân cháy, theo nhận định ban đầu, có thể do nắng nóng làm nổ bom từ thời chiến tranh còn sót lại.

Nắng nóng còn kéo dài hai ngày nữa

Ngày 3.5, ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, do chịu ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Phú Yên có nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 – 39 độ C, có nơi 40 – 42 độ C.

Một số nơi nhiệt độ cao như Mường La (Sơn La) 40 độ C, Phù Yên (Sơn La) 39,1 độ C; Mai Châu (Hoà Bình) 39,3 độ C; Lạc Sơn (Hoà Bình) 40,4 độ C... Ngày 4.5, các khu vực trên vẫn nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 – 39 độ C, có nơi 40 – 42 độ C. Dự báo đợt nắng nóng trên diện rộng này sẽ còn kéo dài trong 1 – 2 ngày tới, sau đó có xu hướng dịu dần.

Cụ thể, Tây Bắc bộ: 36 – 39 độ C; Đông Bắc bộ: 36 – 39 độ C; Thanh Hoá – Thừa Thiên – Huế: 36 – 39 độ C, có nơi 39 – 41 độ C; Đà Nẵng – Bình Thuận: 34 – 37 độ C;Tây Nguyên: 31 – 34 độ C; Nam bộ: 32 – 35 độ C; Hà Nội: 36 – 39 độ C.

L. H

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo L. Hà – Phạm Anh – Mai Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN