Bệnh viện FV phủ nhận kết luận của Sở Y tế

Trong thông cáo gửi đến báo chí, BV FV khẳng định, BV nhận sai sót, xin lỗi và bồi thường, tuy nhiên, gia đình không đồng ý với cách giải thích của BV. Tuy nhiên, chiều ngày 7.9, lãnh đạo BV đưa ra một thông tin mới khẳng định nguyên nhân gây tử vong là do... tai biến!

Mới đây, tòa soạn có bài viết về trường hợp bệnh nhân Mai Trung Kiên (bố diễn viên Mai Thu Huyền) bị tử vong do BS tắc trách tại BV FV vào ngày 12.8.

Bệnh viện FV phủ nhận kết luận của Sở Y tế - 1

Công văn của Sở Y tế TP.HCM gửi bà Mai Thị Thu Trang ngày 29.8.

Mổ ruột thừa tại sao lại cho dùng thuốc chống đông máu?

Trong thông tin phản hồi gửi đến tòa soạn, bà Mai Thị Thu Trang - con của nạn nhân - cho biết: “Sau khi mổ ruột thừa, bố tôi đã nằm điều trị ở BV trong suốt 3 ngày, vậy mà khi bệnh nhân kêu đau họ không hề có một lần nào siêu âm để kiểm tra xem vết mổ như thế nào. Nếu siêu âm thì đã có thể phát hiện ra việc xuất huyết nội từ vết mổ sớm để xử lý kịp thời.

Khi bố tôi kêu đau ngực, bụng và yêu cầu được kiểm tra thì họ không làm xét nghiệm nào cả mà chỉ dựa vào tiểu sử bệnh tim để kết luận là bố tôi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nên đã dùng liều cao thuốc chống đông máu, trong khi thuốc này bị cấm chỉ định đối với những bệnh nhân mới mổ, vì nó sẽ làm cho việc chảy máu vết mổ càng nhiều hơn”.

Cũng theo bà Trang, trong suốt 3 ngày điều trị cho ông Kiên, đội ngũ BS của FV không phát hiện được, trong khi chỉ vừa sang BV Tâm Đức có 30 phút thì BV này đã phát hiện ra bệnh nhân bị xuất huyết nội. “Thậm tệ hơn nữa, khi bố tôi đang trong tình trạng vô cùng nguy kịch đến tính mạng do thiếu máu trầm trọng, các BS của BV Tâm Đức dưới sự chỉ đạo của PGS - TS Phạm Nguyễn Vinh - Phó GĐ BV - đã đề nghị BS Tuấn cùng phối hợp để mổ cấp cứu ngay tại Tâm Đức thì BS Tuấn không chịu mổ mà lại đòi đưa về BV FV vì nói BV Tâm Đức không đủ cơ sở vật chất. Trong khi BV Tâm Đức là 1 BV hiện đại, đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện những ca mổ và họ rất nhiệt tình hỗ trợ”.

Giải thích về mức đề nghị BV phải bồi thường 2 triệu USD, bà Trang cho rằng, mức bồi thường mà luật sư của gia đình đưa ra còn thấp hơn nhiều so với mức mà BV FV sẽ được bảo hiểm chi trả, vì theo tìm hiểu của gia đình nạn nhân, FV đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các BS trong trường hợp xảy ra tử vong thì mức bồi thường là 2 triệu USD...

Nguyên nhân tử vong do nhồi máu cơ tim có thuyết phục?

Trước phản hồi của gia đình nạn nhân, chiều ngày 7.9, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo BV FV. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh của BV FV - thì, BV không đồng ý với kết luận của Sở Y tế TPHCM.

“Chúng tôi không biết vì sao kết luận của Sở Y tế lại khác với nhận định của chúng tôi. Chúng tôi không thể hiểu được tại sao chỉ số troponin lên đến rất cao không được đề cập đến trong kết luận của Sở Y tế. Chúng tôi đang tiến hành chính thức đề nghị xem xét lại sau khi chúng tôi có được ý kiến từ các chuyên gia có uy tín” - bà Thu cho biết.

Khi phóng viên đưa thắc mắc tại sao bệnh nhân kêu đau ngực, bụng và yêu cầu được kiểm tra thì BV không làm xét nghiệm mà chỉ dựa vào tiểu sử bệnh tim để kết luận có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nên đã dùng liều cao thuốc chống đông máu, trong khi thuốc này bị cấm chỉ định đối với những bệnh nhân mới mổ vì sẽ làm cho việc chảy máu vết mổ càng nhiều hơn?

BS Jean Marcel Guillon - Giám đốc y khoa của BV - khẳng định: Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim và đã được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng đông, hiện đang sử dụng thuốc kháng đông để điều trị. Bệnh nhân không tuân thủ điều trị bằng loại thuốc này trong 2 năm nên có nguy rất cao về tim mạch. Đây cũng là lý do tại sao bệnh nhân bị tai biến mạch máu não vài tháng trước. Điều trị bằng thuốc kháng đông dẫn đến nguy cơ chảy máu cao khi phẫu thuật.

Câu hỏi được đặt ra có phải bệnh nhân tử vong do xuất huyết nội sau phẫu thuật? BS BS Jean Marcel Guillon giải thích: “Lượng máu chảy trong ổ bụng của bệnh nhân sau phẫu thuật không đến mức cực kỳ nguy hiểm, vì chỉ số hemoglobin là 10.3 khi bệnh nhân được chuyển từ săn sóc hồi sức đặc biệt lên khoa ngoại nội trú, 9.5 vào ngày 10.8 và 8.6 vào sáng 11.8, 8.2 vào tối 11.8 ngay trước khi bệnh nhân tử vong.

Nói cách khác, máu chảy không ồ ạt và đã chảy rỉ rả trong ít nhất là 36 tiếng. Việc bệnh nhân chết đột ngột không thể do bị chảy máu rỉ rả, không tới mức ồ ạt như vậy. Chỉ số troponin cao hơn so với bình thường vào tối 10.8, cao hơn một chút vào sáng 11.8 và đã lên rất cao khi bệnh nhân ở BV Tâm Đức tối 11.8. Những chỉ số này cho thấy bệnh nhân đã lên cơn nhồi máu cơ tim và đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong”.

Vậy, theo như lời giải thích của BV FV thì nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do “nhồi máu cơ tim”, mâu thuẫn hoàn toàn với kết luận của Sở Y tế TPHCM. Vậy, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân đến thời điểm này vẫn còn là những lời giải thích trái ngược? Thực hư của vụ việc rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ Y tế để có câu trả lời chính xác thuyết phục cho những bên liên quan và cho bạn đọc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Tuấn (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN