Vàng thương hiệu giảm giá tới 50-70% và sự thật ngã ngửa

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Do ham rẻ, lại cả tin, nhiều khách hàng đã bị các shop bán hàng online trên Facebook lừa hàng chục triệu đồng vì mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mua vàng thương hiệu… giảm giá tới 50-70%

Chị Nguyễn Tuyền, một khách hàng ở TP.HCM cũng bức xúc cho biết, thời điểm một tháng trước, từ một fanpage giống hệt fanpage của trang sức PNJ có đăng thông tin bán chiếc lắc tay của thương hiệu PNJ với giá khuyến mại 399.000 đồng nên chị đã không ngần ngại để lại thông tin đặt hàng.

"Không ngờ khi nhận hàng lại là một chiếc lắc tay có tên thương hiệu khác, không giống với hình ảnh quảng cáo. Khi nhắn tin hỏi thì mới nhận ra đã bị chặn tài khoản", chị Tuyền nói.

Nhiều trang mạng lợi dụng các thương hiệu lớn để bán hàng giả, lừa đảo khách hàng

Nhiều trang mạng lợi dụng các thương hiệu lớn để bán hàng giả, lừa đảo khách hàng

Theo chị Tuyền, fanpage này có giao diện giống với PNJ, thậm chí sao chép y hệt trang chính từ nội dung đến hình ảnh và có giá bán rất rẻ, kèm giảm giá đến 50-70%..., khiến nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ như chị rất dễ bị mắc bẫy.

Cũng giống với chị Tuyền, một tài khoản tên Sa Dang ở TP.HCM từng bị lừa mua phải hàng giả thương hiệu mỹ phẩm lớn của Nhật Bản SK-II từ một fanpage có địa chỉ ở Hà Nội. "Mình mất 7 triệu đồng chỉ vì tin tưởng lời quảng cáo là đại lý chính thức ở Việt Nam", chị chia sẻ.

“Nếu không để ý sẽ rất khó phát hiện được đây là những trang giả mạo. Từ ảnh đại diện, ảnh bìa đến các bài đăng đều sao chép toàn bộ của các thương hiệu", Hồng Nhung, chuyên viên marketing chia sẻ.

Mua vòng đá ruby… thành hạt nhựa

Mới đây, một người tiêu dùng lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM để đâm đơn tố cáo một shop bán hàng online đã bán cho cô chuỗi vòng cổ được quảng cáo là đá ruby Nam Phi. Quảng cáo là đá ruby, nhưng hầu như là hạt nhựa, khi đốt, hạt này bốc cháy khét lẹt.

Mua đá ruby nhưng nhận hàng là những hạt nhựa, khi đốt, hạt này bốc cháy khét lẹt

Mua đá ruby nhưng nhận hàng là những hạt nhựa, khi đốt, hạt này bốc cháy khét lẹt

Tin vào những lời giới thiệu của một chủ trang Facebook qua livestream, nhiều người đã mua qua mạng hàng chục triệu tiền hàng. Kết quả, khi nhận khách hàng mới phát hiện hàng kém chất lượng, hoàn toàn không giống như quảng cáo.

"Trên live mình thấy chuỗi vòng rất đẹp, lung linh. Mình chốt mua xong đến khi nhận thì nó như vòng nhựa, mình hỏi lại bạn ấy bảo đây là đá ruby Nam Phi, bao kiểm định" - chị Nguyễn Thị Ch. - khách hàng ở Hà Nội, cho biết.

Sau đó, chị C. đã mang đá ruby đi kiểm định. Kết quả, một công ty chuyên kiểm định đá quý của SJC xác nhận đây không phải ngọc hay đá tự nhiên. Thử bằng cách trực quan hơn, thứ gọi là đá ruby Nam Phi đã bốc cháy ngùn ngụt, khói đen sì và mùi khét như hạt nhựa.

Theo cơ quan chức năng, đến nay, tổng cộng 13 người cùng ký đơn gửi cơ quan chức năng để tố cáo shop 2hand Fashion bán hàng giả, lừa dối khách hàng. Trên Facebook, một nhóm hơn 5.000 thành viên đã công khai tẩy chay shop này với các cáo buộc tương tự.

Theo khảo sát, hiện có hàng trăm fanpage khác vẫn đang giả mạo các thương hiệu lớn để quảng cáo và tiếp cận người dùng nhằm mục đích lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái.

Bài học đắt giá

Ham rẻ, cả tin, các khách hàng đã nhiều lần liên hệ đòi trả hàng nhưng không được, có chăng chỉ là những giọt nước mắt ấm ức và thêm những bài học mới.

Hàng loạt các trang thông tin quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, khiến người mua khó phân biệt

Hàng loạt các trang thông tin quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, khiến người mua khó phân biệt

Thời công nghệ, khi thương mại điện tử và các hình thức buôn bán trên mạng xã hội bùng phát, các hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Không thể phủ nhận, hiện mua bán qua mạng mang lại nhiều lợi ích. Giao dịch mua bán qua mạng đang ngày càng phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, nếu người mua không cảnh giác, sẽ rất khó phát hiện và phân biệt giữa các trang chính thống và trang giả mạo.

Pháp luật quy định rõ, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn nữa có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 185 năm 2013 của Chính phủ nêu rõ: với cá nhân, mức xử phạt từ 500.000 - 50 triệu đồng; đối với hành vi buôn bán hàng giả, tùy số lượng; với tổ chức, mức phạt gấp đôi.

Trường hợp vi phạm nhiều lần, bán hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng có thể bị truy tố theo điều 192 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, nếu người tiêu dùng chứng minh được hành vi lừa đảo, thì các chủ shop còn có thể bị xử lý tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với các mức hình phạt cao hơn nhiều.

Nguồn: [Link nguồn]

Bắt kho ”hàng hiệu” có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng: Hé lộ nguồn cung cấp

Kho hàng nhái hàng ngàn sản phẩm thương hiệu nổi tiếng lấy nguồn từ chợ Đồng Xuân, chợ An Đông có doanh thu hàng tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ban Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN