Phát hiện kho chứa gần 3.000 mỹ phẩm, đồ gia dụng “ba không”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đột xuất kiểm tra một kho hàng ở Hải Dương, cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 sản phẩm không có nhãn phụ, không hóa đơn chứng từ và không được khai báo hải quan.

Đội Quản lý thị trường số 2 (cục Quản lý thị trường Hải Dương) vừa khám đột xuất một kho hàng ở cụm công nghiệp An Đồng (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) do bà Trần Thị Kim Oanh (địa chỉ xã Minh Tân, huyện Kinh Môn) làm chủ.

Kết quả khám phát hiện tại kho hàng có 2.383 sản phẩm mỹ phẩm các loại như kem dưỡng da, kem chống nắng, nước hoa, thuốc nhuộm tóc… cùng 485 sản phẩm đồ gia dụng các loại như bàn là, bình giữ nhiệt, nồi hấp, nồi nướng, bếp từ... Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không được dán nhãn phụ.

Kho hàng được phát hiện khi lực lượng chức năng đột xuất kiểm tra.

Kho hàng được phát hiện khi lực lượng chức năng đột xuất kiểm tra.

Qua khai báo, được biết, số hàng trên được bà Oanh mua về để rao bán trên mạng xã hội sau đó thuê ship hàng cho người đặt mua. Tại thời điểm kiểm tra, bà Trần Thị Kim Oanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định liên quan đến số hàng hóa nêu trên. Đội Quản lý thị trường số 2 đã quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương gọi đây là những hàng hóa "ba không", tức không có nhãn phụ, không có hóa đơn chứng từ và không được khai báo hải quan.

“Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều mặt hàng được quảng cáo là “xách tay”, “chính hãng”, “authentic”... thường được chào bán rẻ, thậm chí rẻ hơn các mặt hàng cùng loại trong nước nên được khá nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Tuy nhiên, với hàng hóa “ba không”, rủi ro của người tiêu dùng là vô cùng lớn. Đặc biệt trong bối cảnh gần đây hàng loạt vụ việc sản xuất mỹ phẩm giả, kém chất lượng bị phát hiện, xử lý”, cơ quan này khuyến cáo.

Ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực.

Khi đó, hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không làm thủ tục hải quan được coi là hàng lậu và bị xử phạt nặng hơn so với trước đây.

Đối với hàng hóa có giá trị dưới 3 triệu đồng, mức phạt là từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị phạt 40 - 50 triệu đồng.

Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… thì phạt tiền gấp 2 lần tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức.

Nguồn: [Link nguồn]

Buôn hàng ”xách tay” có thể bị phạt tới 200 triệu: Muôn chiêu đối phó

Từ 15/10, buôn bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu, song cơ quan thực thi e ngại vẫn chưa đủ để ngăn chặn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thu Huyền ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN