Giá lợn hơi bất ngờ “leo nóc”: Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày 17/4 giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, mức tăng có nơi đến 12.000 đồng/kg, đánh dấu nhiều ngày liên tiếp giá lợn leo thang.

Trên 65% thị phần là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ

Tại miền Bắc giá lợn hơi hôm nay dao động trong khoảng 88.000 - 92.000 đồng/kg. Trong đó, cao nhất là tại Thái Bình với 92.000 đồng/kg lợn hơi, theo sát đó là Hà Nội và Hưng Yên với 91.000 đồng/kg. Như vậy, giá tăng thêm trong khoảng 2.000 - 7.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Đây là ngày tăng thứ ba liên tiếp của khu vực này, thiết lập đỉnh mới 92.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tăng phi mã trong nhiều ngày liên tiếp

Giá lợn hơi tăng phi mã trong nhiều ngày liên tiếp

Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên ghi nhận mức tăng đến 12.000 đồng/kg tại Bình Định, Lâm Đồng tăng 8.000 đồng/kg, Đắk Lắk tăng 7.000 đồng/kg... Theo đó, mức giá dao động của khu vực tăng lên trong khoảng 78.000 - 88.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, lợn hơi hôm nay cũng tiếp tục với mức tăng trong khoảng 1.000 - 4.000 đồng/kg. Theo đó, giá trung bình khu vực này tăng lên trong khoảng 76.000 - 87.000 đồng/kg.

Thực sự đây là một nghịch lý trước chỉ đạo của Chính phủ về việc đưa giá lợn hơi về mức dưới 70.000 đồng/kg từ đầu tháng tư.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay hiện chỉ có các đơn vị chăn nuôi lớn tuân thủ bán giá heo hơi 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4. Song do nguồn cung vẫn chưa ổn định trở lại, việc tái đàn vẫn chưa có lứa heo xuất nên giá heo hơi mấy ngày nay ở Đồng Nai lại tăng trở lại.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đã có 15 công ty chăn nuôi heo lớn thực hiện cam kết giảm giá heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 15 công ty này chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, còn khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp (DN) không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước.

Thêm vào đó, với việc thực hiện giãn cách xã hội nên một bộ phận người tiêu dùng đã mua tích trữ thực phẩm, trong đó có thịt heo để hạn chế số lần đi chợ. Do vậy, giá thịt heo đã tăng cục bộ tại một số nơi.

Trước thực tế trên, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao, nguyên nhân do nguồn cung thấp hơn cầu. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố chủ quan khác tạo ra như: do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch Covid-19; có hiện tượng găm hàng, tích trữ lợn thịt để đẩy giá lên cao; cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lí, chi phí trung gian lớn 40-45%. 

Phó Thủ tướng cho biết, giá thịt lợn cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Mặt khác, có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, cần phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo, thực hiện tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng nuôi của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.

Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao

Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao

Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép; phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu.

Bộ Công Thương Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong quản lý và đề xuất chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu bổ sung phần thịt lợn thiếu hụt trên thị trường, không để thiếu nguồn thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thống nhất tăng cường việc nhân giống cung cấp đủ cho người chăn nuôi; đồng thời đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn; đồng loạt giảm giá lợn thịt xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4; tiến tới giảm xuống 65.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg lợn hơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất ngờ giá lợn hơi và thịt lợn tại chợ dân sinh quay đầu tăng sốc

Không chỉ người tiêu dùng, mà nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh sáng nay (15/4) đều “kêu trời” vì giá thịt lợn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN