Nở rộ lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, khách hàng cần lưu ý những gì?

Trước việc liên tục xảy ra các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin về tài khoản cá nhân tại ngân hàng trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã đồng loạt phát đi khuyến cáo đối với các khách hàng của mình.

Trong thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau như trao đổi buôn bán, quảng cáo sản phẩm, thông báo trúng thưởng, mạo danh đòi nợ giúp ngân hàng để lừa đảo...

Để tránh bẫy của kẻ gian, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng đề cao cảnh giác khi có nghi ngờ về hành vi lừa đảo gian lận, ngay lập tức liên hệ và phối hợp cùng ngân hàng kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Các thủ đoạn lừa đảo thường gặp là đối tượng gian lận thường chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội hoặc email với các nội dung như:

Các đối tượng giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra;

Giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn và yêu cầu cung cấp số OTP của khách hàng;

Giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.

Tinh vi hơn, các đối tượng đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng thông qua các phương thức: 

Giả mạo cán bộ của ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu hoặc mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ;

Gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo;

Lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng;

Lưu trữ trái phép các thông tin thẻ và dịch vụ ngân hàng đã nhập của khách hàng trên website có rủi ro cao;

Giả mạo là người cho vay trực tuyến để lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn và yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử.

Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh điều tra viên, cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện, gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập để khởi kiện khách hàng do sử dụng thẻ tín dụng mở tại Ngân hàng hoặc vay nợ nhưng quá hạn chưa trả nợ.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch ngân hàng, các ngân hàng đều khuyến cáo khách thực hiện giao dịch an toàn.Ảnh minh họa

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch ngân hàng, các ngân hàng đều khuyến cáo khách thực hiện giao dịch an toàn.Ảnh minh họa

Những lưu ý dành cho khách hàng

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch ngân hàng, các ngân hàng đều khuyến cáo khách thực hiện giao dịch an toàn theo hướng dẫn sau:

Giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ Ngân hàng. Không cung cấp thông tin bảo mật như: Mã PIN thẻ, Mật khẩu truy cập, Mật khẩu giao dịch một lần OTP, Mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, nhập vào trang website không tin cậy…).

Theo các ngân hàng, họ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử, hoặc yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin để xác thực định danh khách hàng.

Ngoài ra các ngân hàng yêu cầu khách hàng cần xác thực người đề nghị bạn thực hiện giao dịch tài chính. Không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực. Cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc khác như: Email, điện thoại, thư giấy, SMS... để lừa đảo, gợi ý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của kẻ lừa đảo.

Các ngân hàng tái khẳng định, không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại và tài khoản chỉ định để nhận thưởng, nhận tiền hoàn trả... bất kỳ chương trình khuyến mại nào của ngân hàng.

Các ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao, đường dẫn thanh toán thường được bắt đầu bằng https:// và có hiển thị logo ổ khóa bảo mật phía trước. 

Đối với giao dịch qua thẻ ATM, POS, khách hàng cần quan sát khe thẻ trên máy ATM bảo đảm không có thiết bị lạ gắn trên khe và che bàn phím khi nhập số PIN.

Đối với giao dịch trực tuyến, khách hàng hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán cà phê để đăng nhập; Luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng; Luôn thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ ngân hàng điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.

Khi nghi ngờ có gian lận, ngoài việc liên hệ với đường dây nóng của ngân hàng, khách hàng nên đến điểm giao dịch gần nhất, tự thao tác khóa dịch vụ trên ứng dụng E-Mobile Banking.

Bên cạnh đó, việc đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản vay cũng là một cách để phát hiện kịp thời và giảm thiểu rủi ro liên quan đến giao dịch bất thường.

Ngân hàng, ví điện tử cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Các ngân hàng, ví điện tử cảnh báo bất kỳ ai yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản cá nhân đều là lừa đảo!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN