Lãi suất huy động cao 9% năm: Bao giờ cái lợi cũng đi cùng với rủi ro

“Việc tăng lãi suất huy động là có lợi nhưng người tiêu dùng cần cân nhắc khi ngân hàng tăng lãi suất quá cao, bởi bao giờ cái lợi cũng đi cùng với rủi ro”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, bao giờ cái lợi cũng đi cùng với rủi ro

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, bao giờ cái lợi cũng đi cùng với rủi ro

Đó là lưu ý của TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế khi nói về việc hàng loạt ngân hàng thông báo biểu lãi suất huy động tăng cao, lên tới 9%.

Vào những tháng cuối năm, đặc biệt từ đầu tháng 10, trên thị trường một số ngân hàng thông báo biểu lãi suất huy động tăng cao, có thể lên đến 9%. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng cao thường kèm theo các điều kiện như số tiền gửi lớn, kỳ hạn dài (24-36 tháng), chỉ áp dụng với khách hàng cá nhân…nên đối tượng khách hàng được hưởng mức lãi suất cao không nhiều, thị phần huy động của các ngân hàng thương mại này cũng khá nhỏ nên diễn biến này không mang tính đại diện.

Chẳng hạn với mức lãi 9%/năm ở một ngân hàng nhưng yêu cầu khách hàng phải gửi trên 1 năm và số tiền tối thiểu là 500 tỷ đồng. Ở một số ngân hàng khác, để hưởng lãi cao khách hàng cũng phải có vài chục tỷ trở lên mang đến gửi. Gần đây nhất, một số ngân hàng khác không yêu cầu về số tiền gửi mà chỉ cần kỳ hạn dài 12 tháng trở lên là có lãi hơn 8%/năm.

Trong khi đó, 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank - chiếm hơn nửa tổng thị phần tiền gửi - lại huy động vốn với lãi suất thấp, với mức cao nhất chỉ quanh 7%/năm. Như vậy so với các ngân hàng nhỏ, chênh lệch lãi suất lên đến 2 điểm phần trăm.

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người gửi nên lưu ý bởi bao giờ cái lợi cũng đi cùng với rủi ro.

Nói về nguyên nhân các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian qua, theo ông Hiếu, thứ nhất là do thời điểm cuối năm các ngân hàng có nhu cầu cho vay rất lớn và để có thanh khoản cho vay thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động.

Do đó, thời điểm quý 4 hàng năm là thời điểm nhiều ngân hàng tăng lãi suất để huy động vốn. Đây là điều hoàn toàn bình thường.

Nguyên nhân thứ hai, việc các ngân hàng tăng lãi suất để huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định của ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ thanh khoản, vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa là 40% và trong tương lai sẽ kéo xuống 30% theo lộ trình.

Chính vì thế các ngân hàng phải tăng nguồn vốn huy động trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ càng ngày càng giảm.

Thứ ba, với Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, trong đó quy định các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong tương lai. Và để đáp ứng tỷ lệ này nhiều ngân hàng tăng vốn cấp 2, có nghĩa họ phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn và đáp ứng một số quy định của ngân hàng Nhà nước về vốn cấp 2. Ví dụ như chứng khoán dưới hình thức trái phiểu chuyển đổi sang cổ phiếu, chỉ có thể được cộng vào vốn cấp 2, cũng như nợ thứ cấp cũng được cộng vào vốn cấp 2.

“Chính vì những lý do đó, các ngân hàng tăng lãi suất để kéo nguồn vốn trung và dài hạn” – ông Hiếu nói.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng trong ngành tài chính thì bao giờ cái lợi cũng đi cùng với rủi ro.

Theo đó, rủi ro của những ngân hàng tăng lãi suất để thu hút vốn lưu động, họ cần đảm bảo kinh doanh tốt để trả lại tiền gửi cho khách hàng. Nếu lãi suất cao mà họ không tăng được lãi suất đầu ra (tức lãi suất cho vay) thì tỷ lệ sinh lời giảm và có thể đi đến lỗ, thậm chí có thể đưa một ngân hàng vào tình trạng mất an toàn.

“Trong tương lai, năm 2019 tỷ lệ an toàn rút xuống 8% nhưng cách tính rất phức tạp. Nếu các ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn 8% có thể sẽ bị ngân hàng Nhà nước xử lý bằng nhiều hình thức, trong đó có kiểm soát đặc biệt, sáp nhập hoặc phá sản” – ông Hiếu cho biết.

Do đó, theo ông Hiếu người tiêu dùng - khách hàng của ngân hàng cần cẩn trọng khi các ngân hàng tăng lãi suất cao. Nếu các ngân hàng đó làm ăn không hiệu quả với nguồn vốn huy động, có thể dẫn tới khả năng họ kinh doanh không có lãi, dẫn tới tình trạng khả năng tài chính của các ngân hàng đó bị suy giảm…

“Với người tiêu dùng, việc tăng lãi suất huy động là có lợi nhưng cần cân nhắc khi ngân hàng tăng lãi suất quá cao. Có thể họ có những vấn đề về thanh khoản, hoặc những tỷ lệ về an toàn vốn họ không đạt được chỉ tiêu” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Ngân hàng Phát triển báo lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nợ xấu 46.000 tỷ đồng

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo về công tác kiểm toán năm 2018 gửi Quốc hội hé lộ kết quả hoạt động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN