Đua nhau báo lãi nghìn tỷ, ngân hàng vẫn mạnh tay siết nợ, thanh lý tài sản

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cùng với việc công bố lợi nhuận cả chục nghìn tỷ đồng, nhưng các ngân hàng vẫn đang miệt mài siết nợ, thanh lý tài sản để xử lý nợ xấu của khách hàng.

Ngân hàng đua nhau báo lãi nghìn tỷ

Trong số các ngân hàng đã công bố lợi nhuận trong năm 2020, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục đứng đầu với lợi nhuận trước thuế khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Hai "ông lớn" khác cũng đã công bố lợi nhuận sơ bộ là VietinBank với lãi trước thuế riêng lẻ đạt 16.450 tỷ đồng (tăng 43,5%) và BIDV lãi trước thuế hợp nhất 9.017 tỷ đồng (giảm 16% so với năm trước).

Ngân hàng BIDV báo lãi trước thuế hợp nhất 9.017 tỷ đồng trong năm 2020

Ngân hàng BIDV báo lãi trước thuế hợp nhất 9.017 tỷ đồng trong năm 2020

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 vừa được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) công bố cho thấy kết quả kinh doanh tích cực bất chấp 2020 là một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, lũy kế cả năm 2020, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 13.019 tỷ đồng, tăng tới 26% so với năm 2019.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng có lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 3.339 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2019 và vượt 30% so với kế hoạch. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Sacombank đạt 492.636 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,9% đạt 340.268 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 6,8% đạt 427.972 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch. Được biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng này đạt gần 3.900 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng có mức lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ấn tượng tới 94% so với năm 2019, ước đạt 2.500 tỷ đồng và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019, hoàn thành 115% kế hoạch 2020.  

Mạnh tay siết nợ và thanh lý tài sản

Cùng với việc báo lãi cả nghìn tỷ đồng, đến chục nghìn tỷ đồng trong năm 2020, thì ngay từ đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã mạnh tay siết nợ và rao bán thanh lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu của khách hàng.

Chỉ trong 21 ngày đầu tháng 1/2021, ngân hàng BIDV đã có tới 15 thông báo bán đấu giá hoặc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của khách hàng nhằm xử lý nợ xấu. Trong đó có những khoản nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng như khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh tính đến ngày 28/12/2020 là 2.404 tỷ đồng. BIDV cũng đang rao bán tài sản là BĐS và dây chuyền sản xuất lúa gạo thành phẩm với giá khởi điểm 92 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty Lim Phi với giá khởi điểm là 23,7 tỷ đồng,...

Cũng trong thời gian này, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank AMC LTD) có 11 thông báo đấu giá tài sản của khách hàng nhằm xử lý nợ.

Trong đó, doanh nghiệp Tư nhân Thanh Tùng có khoản nợ xấu tại Agribank đến ngày 15/10/2018 là 708,3 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo khoản nợ của doanh nghiệp được rao bán đấu giá chỉ 352,5 tỷ đồng (chưa bằng 50% khoản nợ của doanh nghiệp).

Agribank AMC cũng đang rao bán tài sản đảm bảo của nhóm khách hàng gồm Công ty CP Thương Mại Dịch Vụ Sản Xuất và Xây Dựng Nam Hải, Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Hòa Thành, Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Tân Mỹ Hưng, Công ty TNHH Ung Gia,  02 cá nhân với giá khởi điểm 321,2 tỷ đồng. Đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH TM ĐT XNK Phú Khánh với giá khởi điểm 69 tỷ đồng,...

Ngân hàng VIB cũng có một danh sách dài tài sản đảm bảo cần thanh lý gồm xe ô tô, BĐS và cả nhà xưởng. Trong đó, VIB cũng đang là ngân hàng có số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi rao thanh lý nhiều nhất với giá bán chỉ từ 170 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của ngân hàng VPBank cho thấy tổng nợ xấu đến hết năm 2020 là 9.923 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu hợp nhất trên dư nợ cho vay là 3,4%. Trong khi đó, nợ xấu nội bảng tại ngày 31/12/2020 của Sacombank cũng lên tới 5.780 tỷ đồng. Do đó, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra thanh lý những tài sản đảm bảo của khách hàng để xử lý những món nợ này.

Nguồn: [Link nguồn]

Tỷ phú Vượng mua mảng kinh doanh điện thoại của LG tại Mỹ?

Thị trường lại "xanh rì" sau quãng ngắn hoảng loạn, biến động tiêu cực. Tâm lý nhà đầu tư có lẽ càng yên tâm,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN