Vay tiêu dùng thủ tục phức tạp, khó cạnh tranh với tín dụng đen

Sự kiện: Ngân hàng

Quy mô tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, trong khi tiềm năng thị trường là rất lớn

Tại toạ đàm Phát triển tín dụng tiêu dùng, giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15-3, TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết thị trường tài chính chính thức chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, thiếu các khoản vay có giá trị nhỏ (50 triệu đồng) và tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn hạn chế.

Trong khi các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng chủ yếu cho vay dưới hình thức mua hàng trả góp; cho vay qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản còn chiếm tỉ trọng nhỏ (khoảng 5%).

Ông Cung dẫn một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gần đây cho thấy tỉ lệ người có khoản vay tại các tổ chức tài chính chính thức chỉ ở mức 18,4%. Khoảng 20,9% người tham gia cuộc khảo sát cho biết không thể tiếp cận bất cứ hình thức tín dụng nào khi có các nhu cầu tài chính khẩn cấp, tỉ lệ này chủ yếu ở nhóm người nghèo, người trẻ tuổi, người ở khu vực nông thôn…

Vay tiêu dùng thủ tục phức tạp, khó cạnh tranh với tín dụng đen - 1

Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng góp phần giảm tín dụng đen. Ảnh: Thái Phương

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng thúc đẩy tín dụng tiêu dùng góp phần giảm bớt tín dụng đen nhưng thời gian qua, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, tỉ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018, khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Có quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen là không công bằng. Kiến thức về tài chính, tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế…

Do đó, để phát triển tín dụng tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen, TS Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, nhằm đồng bộ hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp. Cũng như sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, có thể thí điểm đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng… Tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ có thể phát triển nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của một số ít công ty tài chính lớn hiện nay.

Dưới góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit, cho rằng vay tiêu dùng hay vay hộ gia đình giúp giảm thiểu tín dụng đen và phi chính thức. Rất khó dẹp được tín dụng đen nhưng có thể thúc đẩy các kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân. Dù vậy, nhiều người than phiền lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng cao.

Vì sao lãi vay của công ty tài chính cao? Theo ông Phúc, do chi phí vốn đầu vào cao khi tổ chức tín dụng phi ngân hàng bị hạn chế tiếp cận với các nguồn vốn chi phí thấp như không được phép huy động tiền gửi dân cư. Các công ty tài chính buộc phải sử dụng vốn tự có hoặc phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu) để huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chức khác với chi phí cao hơn…

Ngoài ra, đối tượng khách hàng của vay tiêu dùng là các khách hàng "dưới chuẩn" có độ tín nhiệm thấp với mức thu nhập ở mức trung bình thấp, tình hình tài chính không ổn định, không có tài sản đảm bảo… nên mức độ rủi ro đối với các khoản vay tín chấp sẽ cao hơn so với vay thế chấp tại ngân hàng. Do đó, lãi suất cho vay sẽ cao hơn ngân hàng là hợp lý.

Thủ tục phức tạp nên khó cạnh tranh với tín dụng đen

Một số chuyên gia cho rằng công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng về lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn…

Trong khi đó, theo các công ty tài chính, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì nhiều quy định, thủ tục phức tạp trong việc đăng ký, xét duyệt vay khiến các tổ chức tín dụng không thể cạnh tranh với tín dụng đen.

Do đó, công ty tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà Nước xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng. Như với nhu cầu vốn vay, quy định hiện nay, người đi vay phải liệt kê chính xác từng nhu cầu vốn trong khi nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng, thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Yêu cầu người đi vay liệt kê chính xác các nhu cầu này gần như không thể thực hiện được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Anh ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN