Thưởng Tết năm nay sẽ thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dưới tác động của Covid-19, quỹ lương, thưởng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, dự báo sẽ có nhiều biến động trong kế hoạch thưởng Tết 2022.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp có thể có mức thưởng cao hơn năm trước nhờ tiết giảm tối đa chi phí trong dịch bệnh.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dự báo mức thưởng Tết năm nay của nhiều ngành có thể thấp hơn nhiều so với mọi năm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dự báo mức thưởng Tết năm nay của nhiều ngành có thể thấp hơn nhiều so với mọi năm

Doanh nghiệp có lãi thì mới thưởng

Phấn khởi vì dự kiến mức thưởng Tết năm nay có thể sẽ cao hơn những năm trước, với hy vọng mỗi người lao động (NLĐ) có thể hưởng tới 2 tháng lương, so với mức 1,5 tháng lương như mọi năm, ông Cao Văn Tĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ chia sẻ: “Dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng năm nay hệ thống cảng nói chung sẽ giữ được sự tăng trưởng so với năm ngoái, riêng Đình Vũ tăng trưởng khoảng 5 - 7%”.

Theo ông Tĩnh, kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi vào những tháng cuối năm, khi hoạt động vận chuyển lưu thông bình thường. Đến thời điểm này, các cảng đã đánh giá được kế hoạch năm, ở mức hoàn thành hay chưa hoàn thành.

Kết quả chung cho thấy, ngành vận tải cảng biển sẽ không chịu tác động nhiều như những ngành khác nên dự kiến mức thưởng của ngành sẽ không ảnh hưởng nhiều.

“Năm nay là năm Đình Vũ có mức lợi nhuận tăng trưởng tốt nhất, ngưỡng 50% doanh thu nhờ tiết kiệm tối đa tất cả các chi phí như đi lại, hội họp, công tác phí...

Khi chi tiêu bất kỳ việc gì thì chúng tôi đều đặt câu hỏi “có nên hay không nên” và tất cả điều đó giúp tổng chi giảm xuống mức hơn 20%”, ông Tĩnh nói và cho biết, nhờ đó, trong khi khó khăn nhất, công ty lại đạt được lợi nhuận tốt nhất, ngưỡng 320 tỷ đồng, vượt mức chỉ tiêu giao là 305 tỷ đồng.

Tương tự, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10 cũng cho biết, thu nhập bình quân NLĐ năm nay tăng khoảng 9% so với năm 2020 khi công ty có chính sách hỗ trợ thêm NLĐ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Là ngành có số lao động đông, công ty phải thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo các đơn hàng mùa vụ nên chi phí phòng dịch tăng cao. Bởi vậy, doanh thu năm nay dù có tăng hơn năm trước, nhưng lợi nhuận cũng chỉ tương đương, ngưỡng 80 tỷ đồng”, ông Việt nói và cho biết, mức thưởng Tết năm nay sẽ cố gắng duy trì bằng năm trước, khoảng 1,5 tháng lương để động viên NLĐ.

Vị Tổng giám đốc cũng cho rằng, với đà tăng trưởng này, kỳ vọng trong năm 2022 hoạt động sản xuất sẽ tăng trưởng khoảng 30% so với năm nay.

Đại diện Hiệp hội Dệt may VN nhận định, thời điểm này vẫn khó để dự báo cụ thể mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong ngành vì doanh nghiệp đang tập trung sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Việc thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021 của từng doanh nghiệp.

“Mức thưởng có thể bằng tiền mặt hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác theo quy chế đã công bố của doanh nghiệp.

Song, đối với ngành dệt may, NLĐ chính là xương sống của ngành nên việc thưởng Tết cũng được ưu tiên và chia sẻ từ phía doanh nghiệp”, vị này cho hay.

Dù vậy, đó chỉ là những điểm sáng ít ỏi trong bức tranh thưởng Tết năm nay, bởi đến nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, vận tải khách vẫn chưa khôi phục hoạt động.

Thậm chí, phần nhiều trong số đó có thể sẽ không thể quay trở lại thị trường...

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện chỉ mới có tối đa 50% số phương tiện, xe khách liên tỉnh hoạt động, 50% còn lại gặp khó khăn về tài chính, khó có thể quay lại thị trường.

Chưa kể, những doanh nghiệp vừa quay trở lại đã gặp ngay khó khăn khi giá xăng dầu liên tiếp tăng cao.

“Thời điểm này hàng năm, các doanh nghiệp đã tính tới thưởng Tết, nhưng nay chỉ lo có việc làm cho NLĐ để có thu nhập đã là may mắn”, ông Hùng bày tỏ.

Dự báo thưởng Tết năm Nhâm Dần

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN cho hay, kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa được đơn vị ban hành.

Theo đó, các cấp công đoàn được yêu cầu chủ động kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19, người không có điều kiện về quê đón Tết; hỗ trợ vé tàu xe, phương tiện cho NLĐ về quê.

Đồng thời, các cấp công đoàn được yêu cầu chủ động tham gia kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện lương, thưởng Tết, đảm bảo quyền lợi NLĐ.

Dự kiến, nguồn tài chính công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này.

Tổng liên đoàn Lao động VN cũng cho biết, Bộ luật Lao động không quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho lao động nhưng từ lâu, người Việt đã có văn hóa thưởng Tết.

“Tiền thưởng là cách để doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, thưởng Tết năm nay có thể sẽ không tăng, thậm chí nhiều ngành có thể thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ có kế hoạch hỗ trợ NLĐ”, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN) nhìn nhận.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội cho rằng, trên thực tế, chúng ta hay đề cập đến tháng lương thứ 13.

Đây là khoản tiền người lao động sẽ nhận được vào dịp cuối năm theo sự thỏa thuận giữa các bên.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ với nhau. Thưởng Tết có thể bằng hiện vật, hay bất cứ hình thức nào để phù hợp bối cảnh...

Một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh có thể có mức thưởng khả quan như tài chính - ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử...

Còn lại về tổng thể, tình hình thưởng Tết nhìn chung sẽ giảm, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng Tết”, bà Hương dự đoán.

Báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, trong dịp Tết Dương lịch năm 2021, mức thưởng Tết Dương lịch (bình quân là 2,34 triệu đồng/người) đã tăng 151% so với năm 2020.

Đây là mức thưởng Tết Dương lịch bình quân cao nhất từ trước đến nay nhờ việc nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động trong bối cảnh đời sống của người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngân sách Nhà nước đã chi gần 5.558 tỷ đồng chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người lao động khó khăn.

Nguồn: [Link nguồn]

Thưởng Tết 2022: Nơi cố giữ, nơi không hy vọng

Tết lại sắp tới, thời điểm này ở những năm chưa xảy ra dịch COVID-19, hầu hết doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN