“Siêu ủy ban” làm gì để “gà đẻ trứng vàng”?

Ủy ban luôn phải nắm chắc được tài sản Nhà nước giao cho Ủy ban quản lý đang nằm ở đâu, dưới dạng nào, khoản vốn nào đầu tư hiệu quả...

“Siêu ủy ban” làm gì để “gà đẻ trứng vàng”? - 1

Tháng 6/2018, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận trụ sở làm việc tại số 8 phố Khúc Hạo, quận Ba Đình, Hà Nội (là trụ sở cũ của Bộ Ngoại giao), có tổng diện tích hơn 1.300m2 - Ảnh: K.Linh.

Cuối năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) ra mắt, tiếp nhận 19 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ủy ban này sẽ làm gì để những “quả đấm thép” của nền kinh tế “đẻ trứng vàng”.

Doanh nghiệp dè dặt kỳ vọng

Tại buổi làm việc đầu tiên với UBQLVNN, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách, đặc biệt là những bất cập và chồng chéo trong luật pháp gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên.

“Những vấn đề phát sinh như nhà đầu tư nước ngoài trả mỏ, xác định giá khí và sự chậm trễ về tìm kiếm nguồn dầu gia tăng trữ lượng gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng khai thác dầu khí trong những năm tới, ảnh hưởng lớn đến chiến lược ngành Dầu khí cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn lớn đối với bảo toàn phát triển vốn đầu tư Nhà nước”, ông Thanh cho biết và bày tỏ mong muốn UBQLVNN sớm có quy chế phối hợp với PVN, cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, khắc phục các dự án còn yếu kém, chậm tiến độ của tập đoàn.

“Hãy để chúng tôi làm trước…”

Kể từ khi tiếp quản 7 tập đoàn và 12 tổng công ty Nhà nước với số vốn trên 1 triệu tỷ đồng và tổng giá trị tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, UBQLVNN đã có buổi làm việc lần lượt với từng đơn vị. PV Báo Giao thông cũng đã nhiều lần tiếp cận với lãnh đạo “siêu ủy ban” mong được chia sẻ về hoạt động ban đầu, định hướng bước đi, cách thức hoạt động… song đều nhận được câu trả lời: “Hãy để chúng tôi làm trước rồi sẽ thông báo sau”!

Đáp lại những kiến nghị trên, Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, tất cả tồn tại, vướng mắc đều phải được tháo gỡ theo đúng bài bản. Các dự án PVN đang đầu tư, các kiến nghị về cơ chế, Luật Dầu khí, Hợp đồng dầu khí… vẫn cần tiếp tục làm một cách chặt chẽ, liên tục. “Tôi cũng là người làm kinh tế nên tôi hiểu doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì rủi ro càng nhiều. Ủy ban sẽ làm cầu nối tích cực nhất để PVN tiếp tục kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết: "Khi tách phần quản lý Nhà nước chuyên ngành để chuyển về “siêu ủy ban” sẽ có sự chuyên biệt, tập trung theo dõi phát triển, nên các doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi.“Trách nhiệm của UBQLVNN là thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Ủy ban và ngược lại. Trong khi lúc này, các bộ quản lý nhà nước sẽ chỉ tập trung làm chính sách nên cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ bình đẳng, công bằng hơn trước”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo VNPT cũng bày tỏ lo ngại: Khi chuyển các doanh nghiệp sang UBQLVNN, tại doanh nghiệp cũng sẽ nảy sinh vấn đề là cần sự phối hợp giữa Ủy ban và các bộ, ngành để đảm bảo thị trường phát triển theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Nếu trên tinh thần đó thì các doanh nghiệp sẽ không phải băn khoăn gì, nhưng chỉ e những văn bản quản lý chưa được sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến vận hành của các doanh nghiệp”.

“Siêu ủy ban” phải là nhà đầu tư, không áp dụng chuẩn công chức

Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, “siêu ủy ban” đang phải đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức như: Tiếp nhận 9/12 doanh nghiệp thua lỗ của ngành công thương phải xử lý dứt điểm trước 2020; 4/19 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ… Trong khi đó, địa vị pháp lý của UBQLVNN hiện nay là cơ quan thuộc Chính phủ chưa phải là cơ quan ngang Bộ, chưa được giao quản lý nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, lợi nhuận để lại để có nguồn lực thực hiện…

Thừa nhận những hoài nghi về mô hình “siêu ủy ban” là có cơ sở, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Nếu không thay đổi về cách thức thực hiện nhiệm vụ được giao, không có giải pháp hữu hiệu để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý so với mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay, chắc chắn việc thành lập Ủy ban sẽ không đạt mục tiêu.

Ông Cung nhìn nhận, việc thực hiện các quy định về cơ chế hoạt động của Ủy ban phải thực sự đảm bảo nguyên tắc tập trung thẩm quyền và trách nhiệm trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu theo đúng quy định nhưng cũng cần tránh sự chồng chéo giữa hoạt động giám sát thuộc chức năng chủ sở hữu với hoạt động thanh, kiểm tra của chức năng quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ giữa các cơ quan liên quan sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời, giảm hiệu quả và hiệu lực giám sát của chủ sở hữu Nhà nước.

Ông Cung nhấn mạnh, UBQLVNN cần phải được xem là một nhà đầu tư, không phải là một cơ quan quản lý nhà nước - như tên gọi của nó. Do vậy, cần áp dụng những quy tắc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, đánh giá một cách khác biệt với cơ quan hành chính khác. Điều kiện để đơn vị này hoạt động tốt là đừng áp quy chuẩn công chức vào như hiện nay là cứng nhắc.

Bên cạnh đó, cách quản lý đầu tư nên là “impossible game”. Nghĩa là giao nhiệm vụ rất cao, buộc những người đứng đầu phải tìm ra phương án để đạt được mục tiêu. “Nếu giao chỉ tiêu tăng chỉ 1 - 2% thì quá dễ dàng, phải là tăng vài chục lần. Để có bước ngoặt, còn cần củng cố hệ thống chỉ tiêu đánh giá”, Viện trưởng Viện CIEM nêu quan điểm.

Chung góc nhìn, ThS. Đoàn Thị Bích Hiền, chuyên gia kinh tế vĩ mô cho rằng, tùy thuộc vào mức độ đầu tư vốn Nhà nước nhiều hay ít, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, tập đoàn là công ích hay kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận mà xác định mức độ quản lý, giám sát của Nhà nước tại những nơi này.

Bà Hiền nhấn mạnh, UBQLVNN phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và can thiệp chính trị vào các tập đoàn kinh tế. Ủy ban này phải hoạt động như một nhà đầu tư thực sự và chủ động giống Temasek (cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore). Ủy ban luôn phải nắm chắc được tài sản Nhà nước giao cho Ủy ban quản lý đang nằm ở đâu, dưới dạng nào, khoản vốn nào đầu tư hiệu quả, khoản nào kém hiệu quả cần phải thoái…

Để làm tốt những điều này, cần có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn giỏi, không phải là công chức Nhà nước và không có tư duy công chức. Ủy ban cũng cần hoạt động theo một quy trình rõ ràng, minh bạch, trong đó phương thức và nội dung quản lý giám sát phải có sự thay đổi, đồng thời quy định một hệ thống chỉ tiêu đánh giá rất cụ thể, đổi mới so với trước đây. Đối với người đứng đầu và từng cá nhân được giao trách nhiệm quản lý, giám sát vốn của nhà nước tại các tập đoàn kinh tế phải được quy trách nhiệm rõ ràng, có cơ chế, chế tài xử phạt nghiêm minh khi không hoàn thành trách nhiệm để xảy ra những tổn thất về tài sản của Nhà nước.

Cùng đó, cần tăng cường trách nhiệm minh bạch và giải trình tình hình hoạt động, kết quả đầu tư kinh doanh của các tập đoàn kinh tế. Chính phủ cần xây dựng một khung pháp lý với các quy định rõ ràng, minh bạch làm cơ sở cho việc quản lý và giám sát phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế được hiệu quả. Các chỉ tiêu này nên phù hợp với hoạt động kinh doanh cụ thể của từng loại hình tập đoàn, để người quản lý theo dõi, đối chiếu. Bên cạnh đó, quy định các tập đoàn kinh tế phải có trách nhiệm cung cấp thông tin thường xuyên, thậm chí từng ngày đối với những dự án quan trọng có vốn Nhà nước đầu tư lớn để người giám sát, quản lý có thể nhận biết được những biến đổi, đánh giá nguy cơ rủi ro và tìm cách ngăn ngừa kịp thời, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như những năm vừa qua. Để làm tốt những điều trên nhất thiết phải xây dựng được hệ thống thông tin, quản trị tiên tiến, hiện đại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn - Hoàng Ngân ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN