Quay cuồng trong cơn bão giá, người Việt tại Nhật xoay sở thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hiện Nhật Bản đang trải qua một đợt sóng kép khi cả lạm phát và tỷ giá đều tăng ở mức kỷ lục. Vậy với cơn bão giá này, hàng trăm ngàn người Việt Nam tại Nhật Bản đang xoay sở như thế nào?

Các bà nội trợ Việt tại Nhật làm gì khi giá cả leo thang?

Chị Hạnh cùng gia đình chuyển tới sinh sống ở Nhật Bản được gần 10 năm. Chồng chị làm việc ở công ty còn chị ở nhà chăm sóc gia đình, thỉnh thoảng nhận một số công việc làm thêm. Là một bà nội trợ, mọi thay đổi trong giá cả sinh hoạt đều được chị chú ý quan sát.

“Thực phẩm trong siêu thị cũng phải tăng giá tầm 20-30%. Cùng một lượng thức ăn đó thì tiền tăng lên hoặc cùng một số tiền như vậy thì lượng đồ ăn giảm đi. Những cái này ai phải đi chợ thường xuyên và tinh ý mới nhận ra.”, chị Hạnh cho biết.

Tuy nhiên, nhờ đã sinh sống ở xứ người lâu năm nên chị cũng không quá lo lắng trước “bão giá”, các chị em đồng hương người Việt cùng chia sẻ kinh nghiệm, bảo ban nhau giữ cho mâm cơm gia đình được tươm tất, các sinh hoạt khác của gia đình không bị ảnh hưởng.

Những món ăn thuần Việt chuẩn bị với các nguyên liệu tại nước bạn

Những món ăn thuần Việt chuẩn bị với các nguyên liệu tại nước bạn

“Các chị em sinh sống ở đây lâu năm nên cũng biết nhiều nơi bán hàng giá cả phải chăng. Tôi thường đi chợ đầu mối, mua trực tiếp từ người sản xuất chứ không qua siêu thị thì giá cũng rẻ hơn. Ngoài ra, chị cũng có thể chọn mua những hàng bị lỗi như trái cây mặc dù bị méo, có vết xước nhưng vẫn rất tươi và ngon. Siêu thị bên này họ nhập hàng chặt lắm, chỉ chọn những quả tròn và nhẵn nên bỏ phí nhiều.”

Cùng với đó, các chị em cũng thường hay bàn nhau mua thực phẩm theo thùng rồi chia nhau cho tiết kiệm. Cũng theo chị Hạnh, tùy từng tỉnh ở Nhật có chế độ tặng điểm và coupon cho khách hàng khác nhau. Nếu chịu khó giữ những phiếu điểm này thì có thể đem đi mua hàng vào lần sau.

Mặc dù tỷ giá và lạm phát là vấn đề nóng của nền kinh tế số 3 thế giới tuy nhiên, với một gia đình đã định cư lâu năm ở Nhật như chị thì cuộc sống vẫn ổn định, không thay đổi quá nhiều.

Mặc dù tỷ giá và lạm phát là vấn đề nóng của nền kinh tế số 3 thế giới tuy nhiên, với một gia đình đã định cư lâu năm ở Nhật như chị thì cuộc sống vẫn ổn định, không thay đổi quá nhiều.

Với chị, Nhật Bản luôn là một nơi lý tưởng để sinh sống và nuôi dạy con cái. Cuộc sống ở thành phố nhỏ nơi vợ chồng anh chị định cư hiền hòa, dễ chịu. 2 bé nhà chị được miễn phí tiền học đến hết lớp 9. Theo chính sách của chính phủ Nhật Bản, trẻ em từ 0-3 tuổi được nhận trợ cấp 15.000 yên (khoảng 2,5 triệu VNĐ) mỗi tháng, trợ cấp dành cho trẻ từ 3 đến 15 tuổi là 10.000 yên (khoảng 1,6 triệu VNĐ) một tháng. Bản thân giá cả có chút tăng nhưng cả người bản xứ và những gia đình người nước ngoài định cư ở đây như chị không mấy ai phàn nàn.

“Mình đọc báo thì thấy người ta hay tranh luận về tăng lãi suất để đối phó với đồng Yên mất giá và lạm phát. Tuy nhiều nước tăng nhưng ở Nhật họ không tăng, một phần vì người Nhật mua trả góp rất nhiều: từ nhà, xe, đến cái máy giặt hay máy hút bụi… Nếu tăng lãi suất thì nhiều người cũng khốn khổ, chính vì vậy, những người Nhật tôi nói chuyện rất thông cảm cho Chính phủ Nhật về tình hình hiện nay.“

Các gia đình khá giả không cảm nhận nhiều về tăng giá

Chị Nga theo chồng sang Ishikawa, Nhật Bản được khoảng 5 năm. Chồng chị là người Nhật, đang làm quản lý cấp cao cho một doanh nghiệp có đặt nhà máy ở Việt Nam. Chị Nga cho biết chị không cảm thấy giá cả hiện nay có ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của gia đình mình. Những người Nhật như mẹ chồng chị khi đi mua sắm thường ưa chuộng thực phẩm và hàng hóa nội địa chứ không chọn hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, tỷ giá không mấy ảnh hưởng đến các mặt hàng này. Chỉ có một lần mẹ chồng chị đi siêu thị mua quả vải. Nhìn thấy giá tiền khoảng 100.000 VNĐ cho hộp 7 quả vải loại thường chị mới cảm nhận rõ giá cả thay đổi. Ngoài ra, chi phí chị thấy tăng rõ rệt nhất là hóa đơn điện nước, mỗi tháng tăng khoản 1 đến 3 vạn yên (1,6 đến 4,8 triệu VNĐ).

“Hiện nhiên liệu của Nhật Bản phần lớn là nhập khẩu và trả bẳng USD nên chi phí năng lượng đắt hơn khá là rõ. Năm nay đài dự báo Nhật Bản tiếp tục có hiện tượng La Nina, mùa đông có thể khắc nghiệt hơn nên giá điện và sưởi ấm có thể là phần gánh nặng chi phí với nhiều gia đình”, chị Nga cho biết.

Tuần trước Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc họp với nội các để tìm giải pháp cho gói kích thích kinh tế, giúp hạn chế tác động của lạm phát cũng như hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ được nhận khoảng 50.000 yên (8 triệu VNĐ) để giúp chi trả cho các hoá đơn năng lượng và giá thực phẩm tăng cao.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 6/10: Quay đầu giảm sau 2 phiên tăng phi mã

Giá vàng trong nước giảm nhẹ trong khi vàng thế giới gần như đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN