Phải phạt nặng thao túng cổ phiếu!

Các vụ thao túng giá chứng khoán thường chủ yếu bị xử lý hành chính, ít khi bị khởi tố hình sự.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vừa nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội về việc khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã chứng khoán KSA), xảy ra tại TP Hà Nội. Đây là vụ thứ tư bị khởi tố trên thị trường chứng khoán nhưng chỉ có 1 vụ phạt tù, còn lại đang trong giai đoạn xét xử kéo dài.

Thao túng nhóm cổ phiếu khoáng sản?

UBCKNN nêu rõ: Ngày 12-3, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ngày 21-3, tạm giữ bà Phạm Thị Hinh (SN 1973; thường trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận, Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật Công ty CP Chứng khoán VSM) về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".

Bà Hinh từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán vài năm trước khi tham gia điều hành, nắm cổ phiếu của một số công ty liên quan đến ngành khoáng sản. Vào tháng 8-2018, trước khi rời vị trí chủ tịch HĐQT KSA, bà Hinh nắm giữ số lượng cổ phiếu khá lớn thông qua việc mua CP trong các đợt phát hành cho cổ đông chiến lược của một số công ty chuyên về khoáng sản khác như: Công ty CP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), Công ty CP Khoáng sản Luyện kim Màu (KSH) và Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL).

Trước đó, bà Hinh cũng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại 3 công ty chứng khoán là An Bình (ABS), Công ty CP Chứng khoán Phố Wall và Công ty CP Chứng khoán Quốc gia (NSI).

Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Hamico) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Bảo Thư, có vốn điều lệ ban đầu hơn 5,7 tỉ đồng. Tháng 11-2009, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức công ty cổ phần, tăng vốn điều lệ đăng ký là 56,88 tỉ đồng.

Đặc biệt, từ ngày 2-8-2018, hơn 93,4 triệu cổ phiếu KSA đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán TP HCM do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Sau đó, KSA đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UpCoM nhưng cũng bị đình chỉ giao dịch ngay khi chuyển sàn. Giá cổ phiếu KSA rớt còn 480 đồng/cổ phiếu dù hồi tháng 7-2010, giá khởi điểm lúc lên sàn là 60.000 đồng.

Trước khi hủy giao dịch, KSA rơi vào diện bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 17-5-2018 và bị kiểm soát đặc biệt do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Tăng 17 vụ vi phạm

Trong năm 2018, UBCKNN đã ban hành 238 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tăng 17 vụ so với năm 2017.

Trong số 9 cá nhân bị phạt về hành vi thao túng giá chứng khoán trong năm 2018, chỉ có 1 trường hợp có thêm biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 149,8 triệu đồng.

Điển hình, vào tháng 11-2018, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hữu Tiệp (SN 1983, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung - MTM) và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác... liên quan đến cổ phiếu MTM. Dù công ty này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỉ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỉ đồng… nhằm đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Đến nay, vụ án vẫn còn trong quá trình xét xử.

Các nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng ở Việt Nam, thông thường các nhà đầu tư, chuyên viên môi giới, những người theo dõi sát thị trường vẫn hay dựa vào một số yếu tố giao dịch bất thường làm cổ phiếu tăng đột biến, giảm đột ngột… dù cổ phiếu đó không có yếu tố nào hấp dẫn. Các nhà đầu tư hay gọi là có "đội lái". Để có đủ cơ sở khẳng định điều đó thì phải do cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, kết hợp cơ quan công an điều tra "bắt tận tay". Quá trình này thường kéo dài, mức phạt cũng không quá nặng nên chưa đủ răn đe.

Ngoài ra, theo vị này, các giao dịch mang tính chất thao túng thông thường ở các công ty niêm yết là tăng vốn bất thường, tăng vốn ảo với mục đích tung tin đầu tư vào một số dự án rất khả thi để hút tiền từ nhà đầu tư nhưng sau đó có thể nêu lý do thua lỗ, không hiệu quả. Chính những lần tăng vốn này họ đã mua vào, rồi "đánh" lên cổ phiếu để trục lợi… Nhà đầu tư cần cân nhắc nên đầu tư vào những cổ phiếu có thực lực chứ không phải đầu tư, lướt sóng theo "đội lái".

Một chuyên gia chứng khoán khác cũng cho rằng nhiều cổ phiếu bị làm giá quá lộ liễu nên tăng, giảm rất bất thường. Đó có thể cũng là lý do chưa thể nâng hạng thị trường chứng khoán. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, vài vụ việc bị xử lý hình sự, còn lại chủ yếu là phạt hành chính. Có những vụ việc xử lý vi phạm không đủ răn đe vì người vi phạm thu lợi hàng chục tỉ đồng nhưng chỉ bị phạt vài tỉ đồng. Vị này cũng kỳ vọng dự thảo Luật Chứng khoán mới có quy định kiểm soát các công ty tăng vốn ảo. Vấn đề là sau đó thực thi như thế nào để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN