Nhà hàng, quán ăn hốt bạc dịp Tết Dương lịch

Tết Dương lịch hàng năm là dịp các nhà hàng, quán ăn thu lợi nhuận khủng nhờ lượng khách hàng đông đảo. Năm nay, các nhà hàng, quán ăn lại càng “hốt bạc”, bởi lượng khách hàng đến quá tải, nhân viên làm việc hết công suất vẫn không kịp phục vụ.

Những năm trước, Tết Dương lịch thường được nghỉ thông 3-4 ngày nên nhiều gia đình thường lên kế hoạch về quê hoặc đi chơi xa. Năm nay, Tết Dương lịch chỉ được nghỉ 1 ngày nên hầu như mọi người lựa chọn nghỉ ngơi tại Hà Nội, tụ tập cùng người thân, bạn bè ăn uống mừng năm mới. Thế nên, các nhà hàng quán ăn dịp này dù làm việc hết công suất vẫn không kịp phục vụ lượng khách quá tải.

Trao đổi với chị Ngọc Hân (Đội Cấn, Hà Nội), chị cho biết: “Rất khó để đặt bàn ăn vào tối 31/12 và ngày 1/1. Tôi gọi điện cho gần 10 nhà hàng buffet, nướng, lẩu Hàn Quốc, Nhật Bản cũng không đặt được chỗ cho 4 người, quán nào cũng báo đã không còn chỗ, nhiều khách hàng phải đặt trước cả tuần mới giữ được chỗ. Mãi sau tôi phải đặt bàn tại một quán buffet Nhật Bản không ở mạn trung tâm thành phố, mà phải nói đi 6 người (chứ không phải 4 người) mới đặt được bàn”.

Nhà hàng, quán ăn hốt bạc dịp Tết Dương lịch

Nhà hàng, quán ăn hốt bạc dịp Tết Dương lịch

“Vào những ngày này thường tôi hay chọn các quán nướng, lẩu Hàn Quốc, Nhật Bản đã có thương hiệu, để đảm bảo giữ giá. Chứ ra những quán vỉa hè đảm bảo giá sẽ tăng từ 10-20%, mà thường chất lượng đồ ăn kém hơn bình thường, nhân viên không kịp phục vụ nên phải đợi lâu, dễ gây bực mình”, chị Hân chia sẻ.

Theo anh Tiến Trung, quản lý một cửa hàng bít tết khá đông khách trên đường Giảng Võ (Hà Nội), thường vào ngày lễ, tết quán anh sẽ có một menu riêng, ít món hơn bình thường, tập trung vào một số món dễ làm và khách hàng thường ngày ưa chuộng.

“Trong những ngày lễ tết, quán tôi sẽ tăng 10% giá các món ở menu, cũng không nhận đặt bàn trước, khách đến có bàn thì vào, không có bàn thì thôi. Bởi trong những ngày này khách hàng đến cực đông, dù nhân viên làm việc hết công suất cũng không kịp phục vụ. Thế nên chúng tôi không giữ bàn cho khách nào cả”, anh Trung cho biết.

Bên cạnh đó, anh Trung cũng chia sẻ: “Trong những ngày lễ tết thế này, cơ sở của tôi thường làm việc đến 10 giờ tối sẽ không nhận thêm khách nữa. Nhưng có 2 cơ sở khác cùng hệ thống phục vụ khách nhậu đêm nên nhân viên làm việc đến 3-4 giờ sáng là chuyện thường. Vào đêm 31/12, khách hàng đi chơi về thường ghé quán ăn đêm hoặc nhậu tiếp. Thế nên, nhân viên phục vụ tại quán ngoài tiền làm thêm giờ còn được thưởng nóng bằng 4 ngày công thường nữa”.

Trao đổi với anh Bảo Thắng, nhân viên một quán lẩu trên đường Phùng Hưng (Hà Nội), anh cho biết, toàn bộ nhân viên quán làm việc cật lực từ chiều tối ngày 31/12 sang ngày 1/1 vẫn chưa hết việc. Khách hàng nườm nượp đến quán ăn tất niên, đi giao thừa về vào ăn đêm đến 2-3 giờ sáng. Tính ra, lượng khách đến trong dịp này gấp 2-3 lần bình thường, tất nhiên doanh thu của quán cũng tăng 3-4 lần do giá các món của quán anh đều tăng 30%.

“Thường khách đến quán vào dịp này sẽ không được hài lòng lắm, do đông khách nên chúng tôi không kịp phục vụ, họ phải đợi lâu. Bên cạnh đó, bếp cũng không kịp chuẩn bị đồ nên đôi khi cũng sơ sót. Thường phải 2-3 ngày sau lễ tết như này thì quán mới hoạt động trở lại bình thường, thực phẩm được chuẩn bị kỹ càng hơn và giá trở lại như cũ”, anh Thắng cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Kết thúc năm 2019, đại gia nào giàu nhất Việt Nam?

Phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của năm kết thúc đáng buồn với việc VN-Index giảm điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Kiều ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN