Luật Đất đai sửa đổi: Nhiều quy định mới với đất nông nghiệp

Tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu... là những quy định mới về chế độ sử dụng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, luật quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó quản chặt đất của doanh nghiệp nhà nước thoái vốn.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương.

Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quy định này, theo đại diện Ban soạn thảo Luật Đất đai, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.

Luật Đất đai sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới về sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ cao. Ảnh: TH

Luật Đất đai sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới về sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ cao. Ảnh: TH

Luật cũng bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

Luật Đất đai sửa đổi nghiêm cấm “chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, bổ sung quy định xử lý người có hành vi vi phạm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi thi hành công vụ. Ngoài ra, bổ sung quy định về giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, HĐND các cấp, giám sát của công dân, trách nhiệm theo dõi và đánh giá, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất.

Để đồng bộ với các quy định trên, luật bổ sung quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Nhằm hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi chuyển nhượng, Luật quy định tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra, với việc quản lý đất nông, lâm trường, Luật quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý đất nông, lâm trường nhiều năm qua. Trong đó, Nhà nước thu hồi diện tích sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng, diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp. Đất thu hồi sẽ được giao, cho thuê đất để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cá nhân tại địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Kiểm soát chặt đất của doanh nghiệp nhà nước thoái vốn

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương những năm qua, Luật Đất đai sửa đổi kiểm soát vấn đề này ngay từ bước quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua quy định nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định cụ thể diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất được phép chuyển mục đích. Luật cũng kiểm soát chặt chẽ thông qua quy định, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào quyết định chủ trương đầu tư, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngoài ra, luật quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.

Với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp... thì phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện.

Đặc biệt, nhằm tránh tình trạng “hô biến” đất công thành đất tư, Luật Đất đai đã thể chế nội dung về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với nhiều quy định cụ thể trong các điều luật liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định này cũng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.

Nguồn: [Link nguồn]

Tòa nhà không chỉ có kiến trúc xuất sắc mà nó còn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và thiết kế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN