Phạt 10-20 triệu đồng với hành vi đăng ký vốn ảo: Còn quá nhẹ

Luật sư Hà Huy Phong cho biết việc doanh nghiệp đăng ký vốn ảo có thể dẫn tới rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật và những hệ lụy với cả nền kinh tế.

Gần đây, Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC (USC Interco) có trụ sở tại Hoài Đức, Hà Nội đã gây bất ngờ với giới tài chính Việt Nam khi đăng ký vốn lên tới 144.000 tỷ đồng. Với số vốn này, USC Interco trở thành doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn thứ 3 tại Việt Nam chỉ sau 2 tập đoàn nhà nước là PetroVietnam và EVN.

Tuy nhiên, dường như vốn đăng ký của USC Interco chỉ là con số ảo khi một trong những cổ đông của công ty là bà Kim Thị Phương – người sở hữu 30% cổ phần, tương đương số vốn góp là 43.200 tỷ đồng đã lên tiếng thừa nhận chỉ làm nghề buôn nước, phải chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để góp vốn. Bên cạnh đó, bà Phương thừa nhận ngôi nhà đăng ký là trụ sở của công ty cũng đang cắm vay ngân hàng chưa có tiền trả.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật doanh nghiệp 2014 để đăng ký số vốn ảo nhằm thực hiện những toan tính trong hoạt động kinh doanh. Điều này có thể dẫn tới nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.

Luật sư Hà Huy Phong cho rằng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại hệ lụy cho tính minh bạch, độ tín nhiệm của hệ thống

Luật sư Hà Huy Phong cho rằng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại hệ lụy cho tính minh bạch, độ tín nhiệm của hệ thống

Theo luật sư Phong, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thời hạn để chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập góp đủ vốn điều lệ như đã cam kết khi thành lập công ty không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời hạn nêu trên, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ số vốn điều lệ, công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ xuống còn bằng số vốn thực góp. Trong quá trình hoạt động, công ty có thể đăng ký tăng vốn điều lệ, tuy nhiên, số vốn đăng ký tăng thêm phải thực sự được góp vào công ty.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều công ty đăng ký số vốn điều lệ lớn nhưng sau đó không góp đủ và cũng không đăng ký giảm vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, không ít công ty còn cố ý làm giả các chứng từ góp vốn (ví dụ phiếu thu tiền mặt, do người góp vốn là cá nhân Việt Nam không bắt buộc phải góp vốn qua tài khoản) và cả số liệu trong báo cáo tài chính.

Việc đăng ký vốn ảo có thể chỉ là do không nắm rõ quy định pháp luật nhưng cũng có thể cố ý để nhằm những mục đích khác như tham gia dự thầu hoặc vay vốn hoặc huy động vốn. Nói cách khác, đăng ký vốn ảo là một hành vi vi phạm pháp luật có thể dẫn tới rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc để chuẩn bị cho những hành vi vi phạm pháp luật khác, nghiêm trọng hơn, thậm chí là vi phạm hình sự.

Việc tồn tại những công ty có số vốn ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả đối tác, khách hàng của công ty có vốn ảo và cho cả môi trường kinh doanh chung. Trong trường hợp đối tác, khách hàng của những công ty đó không đủ cẩn trọng, bị thuyết phục bởi số vốn điều lệ ghi trên giấy, các đối tác, khách hàng đó sẽ bị nhầm lẫn về năng lực tài chính của công ty. Từ đó, có thể khiến cho kế hoạch hợp tác bị trì trệ, bị thất bại, thậm chí trở thành chủ nợ của công ty mà con nợ không có khả năng trả nợ.

Khi tồn tại nhiều công ty có vốn ảo, các số liệu thống kê chung của toàn nền kinh tế sẽ không phản ánh chính xác sức mạnh của nền kinh tế đó. Có thể lấy ngay ví dụ khi có một công ty mới thành lập đăng ký số vốn 144 nghìn tỷ đồng đã ngay lập tức làm số liệu vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới của tháng đó, số liệu về quy mô vốn của khu vực kinh tế tư nhân tăng đột biến.

Một môi trường kinh doanh mà trong đó một tiêu chí về tài chính có thể bị làm giả dễ dàng và hầu hết mọi người đều thừa nhận rủi ro đó, sự tín nhiệm giữa các chủ thể trong môi trường kinh doanh đó bị suy giảm. Đứng trước những con số vốn được ghi trên giấy, nhiều người sẽ phải đặt ra nghi vấn và cân nhắc về việc tiến hành những biện pháp điều tra, phòng ngừa cồng kềnh để tự bảo toàn.

Luật sư Phong cũng cho biết việc các doanh nghiệp có thể đăng ký vốn ảo một phần là vì công tác quản lý việc đăng ký vốn của doanh nghiệp không chặt chẽ.

Như đã nói ở trên, việc đăng ký vốn ảo của doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các vi phạm pháp luật khác, tạo ra rủi ro cho các bên liên quan với công ty có vốn ảo và để lại hệ lụy cho tính minh bạch, độ tín nhiệm của hệ thống. Chưa kể đến các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian để xử lý vi phạm, xử lý hậu quả khi phát hiện hành vi vi phạm đó hoặc những hệ lụy của hành vi vi phạm đó xảy ra.

Cũng cần phải nói rõ đây không phải lỗi của cơ quan đăng ký kinh doanh mà là do pháp luật về doanh nghiệp đang được xây dựng theo hướng để doanh nghiệp tự chủ, tự giác, tự chịu trách nhiệm, từ đó đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, khi hết thời hạn cam kết góp vốn, công ty phải có văn bản thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về tiến độ góp vốn. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định này. Tuy nhiên, có lẽ các nhà làm luật đã kỳ vọng vào một sự trưởng thành hơn của các chủ thể tham gia kinh doanh.

Để có thể ngăn chặn hiện tượng đăng ký vốn ảo của các doanh nghiệp, luật sư Hà Huy Phong cho biết trong pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định số 50/2016/NĐ-CP có quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (phạt từ 10 đến 15 triệu đồng), hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký (phạt từ 10 đến 20 triệu đồng).

Mức phạt này có thể coi là quá nhẹ đối với những trường hợp cố ý làm trái. Tuy nhiên, sẽ là không hợp lý nếu coi là quá nhẹ để tăng thêm mức phạt nếu xét đến những trường hợp không góp đủ vốn do không nắm rõ quy định pháp luật về thời hạn, không phân định được tài sản của công ty và tài sản của cá nhân chủ sở hữu dẫn đến hiểu lầm rằng đã góp vốn,... Ngoài vi phạm về thủ tục doanh nghiệp, công ty vẫn duy trì hoạt động một cách bình thường, hợp pháp, có lợi nhuận và phát triển.

"Theo tôi, việc tăng mức phạt, nếu có, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, hoặc có thể cần phải xem xét đến hậu quả của hành vi hoặc xem xét đến mối liên hệ của hành vi này với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Để hạn chế hiện tượng này, ngoài biện pháp cân nhắc tăng mức phạt, tôi cho rằng cần suy nghĩ thêm về biện pháp bổ sung cơ chế để kiểm tra thực tế góp vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ cần có sự tham gia nhiều hơn của cơ quan thuế mà không phải cơ quan đăng ký kinh doanh. Bởi không nên kéo lùi công cuộc đơn giản hóa thủ tục hành chính và việc trao quyền kiểm tra độ xác thực, tin cậy của một chỉ tiêu liên quan đến tài chính vào tay cơ quan thuế sẽ là hợp lý hơn. Cùng với đó, biện pháp tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật tuy không mới nhưng luôn cần được chú trọng", luật sư Phong cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
'Siêu' DN 144 nghìn tỷ đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN