Động thái bất ngờ của nữ cổ đông lập công ty bất động sản 144 nghìn tỷ đồng

Chưa kịp treo biển công ty tại nhà riêng, bà Kim Thị Phương cho biết đang xin xóa tên khỏi danh sách cổ đông sáng lập công ty có số vốn 144.000 tỷ đồng.

Muốn xóa tên cổ đông khi chưa kịp treo biển công ty

Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco., JSC) gây bất ngờ khi đăng ký vốn sở hữu lên tới 144.000 tỷ đồng (6,3 tỷ USD).

Công ty được đăng ký trụ sở tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Đây cũng là nhà riêng của bà Kim Thị Phương, một cổ đông nắm giữ 30% cổ phần. Tuy nhiên, trước số tiền phải góp lên tới 43.200 tỷ đồng, bà Phương thừa nhận mình không có tiền bởi chỉ làm nghề buôn nước đóng chai, hàng ngày gia đình phải chạy ăn từng bữa. Ngay chính ngôi nhà đang ở và được đăng ký là trụ sở công ty cũng đang được cắm vay ngân hàng chưa có tiền trả.

Ngôi nhà bà Phương chưa kịp treo biển công ty

Ngôi nhà bà Phương chưa kịp treo biển công ty

Trao đổi với ông Lê Văn Nhất - trưởng thôn Lai Xá - bà Phương cho biết được ông Nguyễn Hoàn Sơn, Trần Gia Phong rủ thành lập công ty hồi tháng 12/2019 với lời hứa sẽ giúp công việc buôn nước trở nên dễ dàng hơn nên bà đồng ý tham gia. Dù đăng ký góp 30% vốn vào công ty nhưng bà Phương cũng không biết sẽ phải góp bao nhiêu tiền. Đến nay bà chưa góp đồng vốn nào và mới mất khoảng 2 triệu do bị ông Phong trừ trực tiếp tiền doanh thu bán nước để làm đăng ký kinh doanh cho công ty.

Bà Phương cũng chia sẻ biển hiệu công ty đã được chuẩn bị đầy đủ và định treo tại nhà riêng của mình trong vài ngày tới. Tuy nhiên, sự quan tâm của dư luận khiến bà chịu rất nhiều áp lực. Trao đổi với phóng viên, bà Phương cho biết đang lên Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội để hỏi thủ tục xin xóa tên, không còn là cổ đông của công ty.

Ông Lê Văn Nhất cho biết, qua nói chuyện thì thấy bà Phương có thể hiện sự lo sợ trước sự quan tâm của dư luận. Bà Phương đã gọi điện cho ông Trần Gia Phong – người đại diện pháp luật của USC Interco., JSC để trao đổi về số tiền phải góp và được hướng dẫn nếu không muốn tiếp tục làm cổ đông thì có thể xin rút.

Luật sư nói gì về mong muốn rút khỏi công ty của bà Phương?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc thay đổi thành viên trong doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến. Nhìn chung có 4 trường hợp thay đổi thành viên như sau: Thay đổi thành viên do tiếp nhận thành viên mới; Thay đổi thành viên do chuyển nhượng, tặng cho phần vốn góp; Thay đổi thành viên do không góp đúng, góp đủ, góp không đúng tiến độ vốn góp đã đăng ký; Thay đổi thành viên do thừa kế.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết bà Phương có thể không mua cổ phần để từ bỏ quyền cổ đông của mình

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết bà Phương có thể không mua cổ phần để từ bỏ quyền cổ đông của mình

Theo điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp có quy định các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

Nếu sau thời hạn quy định cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định.

Như vậy để rút khỏi công ty có vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng, bà Kim Thị Phương có thể không thực hiện mua số cổ phần đã đăng ký và chờ qua thời hạn 90 ngày kể từ ngày được được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để có thể xóa tư cách cổ đông của mình.

Luật sư Bình cũng cho biết trong trường hợp bà Phương không còn là cổ đông, USC Interco., JSC sẽ phải tìm cổ đông thay thế hoặc chuyển đổi loại hình hoạt động hoặc giải thể.

Theo Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014, có hai hình thức giải thể doanh nghiệp đó là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.

Giải thể tự nguyện là quyền của nhà đầu tư đối với việc rút lui khỏi thị trường kinh doanh, một trong các nhóm quyền của quyền tự do kinh doanh. Gồm các trường hợp quy định tại Điểm a,b Khoản 1 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014:

-  Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

Giải thể bắt buộc do yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp do doanh nghiệp không đáp dứng được các điều kiện luật định. Bao gồm các trường hợp sau:

- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nguồn: [Link nguồn]

Công ty 144.000 tỷ đồng tại Hoài Đức khai khống vốn góp: Đối mặt án phạt nào?

Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC gây bất ngờ khi đăng ký vốn sở hữu lên tới 144.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
'Siêu' DN 144 nghìn tỷ đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN