Hé mở về công ty kiểm toán cho FLC, Louis Holdings

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Vietland là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho loạt doanh nghiệp quen mặt với nhà đầu tư trên thị trường như Louis Holdings, FLC, FLC Faros…

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đất Việt (Vietland) có địa chỉ tại Số 2 Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng, lần đầu được cấp giấy chứng nhận kinh doanh vào năm 2002.

Những khách hàng "tai tiếng" của Vietland

Báo cáo của Vietland công bố cho thấy, năm 2021, doanh nghiệp này thực hiện kiểm toán cho hàng loạt doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn trên thị trường và nhà đầu tư.

Vietland thực hiện kiểm toán cho một số công ty chứng khoán như Chứng khoán Tiên Phong, Chứng khoán Vina, Chứng khoán APG, Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trong đó, Chứng khoán Tiên Phong và APG vẫn tiếp tục ký hợp đồng kiểm toán với Vietland.

Một doanh nghiệp có tên trong danh sách được Vietland kiểm toán năm 2021 là Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (UPCoM: KHB). Sang năm 2022, Vietland tiếp tục là đơn vị kiểm toán cho doanh nghiệp này. Song, hôm 14/3 vừa rồi, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có văn bản đề nghị công ty này thực hiện công bố thông tin lại Báo cáo tài chính năm 2020 và Báo cáo tài chính bán niên năm 2021, không muộn quá ngày 30/3/2022. Quá thời hạn trên, HNX sẽ đưa cổ phiếu KHB vào diện bị hạn chế giao dịch theo quy chế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn không công bố và đến hôm 1/4/2022 vừa rồi, cổ phiếu này chính thức bị hạn chế giao dịch, theo đó chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần. 

Giải trình nguyên nhân, công ty này cho biết chưa thực hiện đầy đủ quá trình nhận bàn giao tài sản, tài liệu từ Ban Giám đốc cũ nên Vietland đã từ chối ra ý kiến về kết quả báo cáo kinh doanh trong 2 năm. 

Trụ sở công ty tại Tp.HCM. (Ảnh: vietland)

Trụ sở công ty tại Tp.HCM. (Ảnh: vietland)

Một số công ty năm vừa rồi do Vietland kiểm toán đến năm nay vẫn tiếp tục ký hợp đồng như CTCP Đầu tư Việt Việt Nhật (UPCoM: VNH), Công ty cổ phần Suất ăn công nghiệp Atesco (Atesco - HNX: ATS), Công ty Cổ phần dệt may 29/4, Công ty Cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn, Công ty Cổ phần điện cơ, Công ty Cổ phần Thaiholdings, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF)...

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương đã có văn bản khẳng định không liên quan đến Louis Holding sau khi cổ phiếu SJF có biến động mạnh và giảm sàn do bị ảnh hưởng từ những tin đồn thất thiệt. Nhiều thông tin cho rằng cổ phiếu SJF thuộc hệ sinh thái liên quan đến các cổ phiếu của "Nhóm Louis".

"SJF một lần nữa khẳng định không có bất kỳ giao dịch hay liên quan gì đến nhóm doanh nghiệp Louis và ông Đỗ Thành Nhân", thông báo của SJF cho biết. 

Năm vừa rồi Vietland cũng làm đơn vị kiểm toán cho Louis Holding - doanh nghiệp có Chủ tịch là ông Đỗ Thành Nhân, người mới đây đã bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân khiến FLC, ROS chậm công bố BCTC

Cũng liên quan đến một nhân vật khác vừa bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán, Vietland là đơn vị kiểm toán cho Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros - 2 doanh nghiệp gắn với 2 cổ phiếu "nóng" trên sàn chứng khoán thời gian gần đây là FLC và ROS.

FLC Faros chính thức chọn Vietland làm đơn vị kiểm toán từ tháng 7/2021 sau khi công ty không thống nhất được kế hoạch kiểm toán với Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ATC. 

Vietland cũng được Tập đoàn FLC "chọn mặt gửi vàng" làm đơn vị kiểm toán cho năm 2021, tuy nhiên, theo thông tin mới đây từ FLC, ngày 30/3 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt.

Vì sao FLC chậm công bố báo cáo tài chính dù quá hạn gần một tháng?

Đây chính là nguyên nhân khiến báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Tập đoàn FLC đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn quy định. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của FLC Faros cũng chịu cảnh tương tự. Cả 2 doanh nghiệp này do chậm công bố báo cáo tài chính dẫn đến việc bị HoSE nhắc nhở vào các ngày 8/4, 15/4 và đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, hôm 19/4 vừa rồi.

FLC cho biết tập đoàn hiện nay đang gấp rút tìm đơn vị kiểm toán mới trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.

FLC cho biết Vietland bị đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán khiến báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của FLC Group đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn quy định. (Ảnh: Hữu Thắng)

FLC cho biết Vietland bị đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán khiến báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của FLC Group đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn quy định. (Ảnh: Hữu Thắng)

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải lùm xùm duy nhất xoay quanh công ty chứng khoán này. Hồi năm 2019, Vietland từng bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hai kiểm toán viên là ông Văn Nam Hải và bà Phạm Thị Ánh Dương, kể từ ngày 16/5 đến hết 31/12/2019. Nguyên nhân do 2 kiểm toán viên này đã có vi phạm trong việc kiểm toán báo cáo tài chính cho kỳ kế toán năm kết thúc tại ngày 30/9/2018" (tức báo cáo tài chính năm 2018) của First Real.

Các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 và bán niên 2019 của First Real cho thấy nhiều khoản chênh lệch ở nhiều khoản mục như nợ ngắn hạn, hàng tồn kho, chi phí bán hàng, tài sản ngắn hạn...

Sau đó, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 của First Real đã chuyển sang đơn vị kiểm toán Deloitte thực hiện.

Điều đáng chú ý, kiểm toán viên Văn Nam Hải bị đình chỉ thời điểm đó hiện có tên trong danh sách thành viên Hội đồng thành viên của Vietland. Ông Văn Nam Hải và bà Phạm Thị Ánh Dương cũng có tên trong danh sách 23 kiểm toán viên được hành nghề của Vietland năm 2021. 

Hiện tại, một số doanh nghiệp từng xuất hiện trong danh sách công ty được Vietland kiểm toán năm 2021 đã thay công ty kiểm toán như Công ty Cổ phần ô tô TMT, Tổng công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam…

Vietland kinh doanh ra sao?

Năm 2021 vừa rồi, công ty đạt tổng doanh thu 43,1 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước (Năm tài chính của công ty kết thúc vào tháng 9/2021). Trong đó, doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng là 4 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước; còn lại là doanh thu từ dịch vụ kiểm toán khác. 

Lợi nhuận tăng song tổng chi phí hoạt động cũng tăng. Cụ thể, tổng chi phí năm ngoái là 32 tỷ đồng thì năm nay đã tăng lên 42,6 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 31%. Trong đó, chi phí tiền lương, thưởng nhân viên là 27,3 tỷ đồng và chi phí khác là 15,3 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vietland còn 793 triệu đồng.

Hội đồng quản trị công ty gồm 5 người, trong đó ông Phạm Tiến Tịnh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, ngoài ra còn 4 thành viên Hội đồng thành viên khác là ông Võ Thế Hoàng, ông Văn Nam Hải, ông Nguyễn Quang Hiển và bà Nguyễn Thị Thơm. Ban điều hành và quản lý gồm Tổng Giám đốc Võ Thế Hoàng, 3 Phó Tổng Giám đốc cùng 4 Giám đốc chi nhánh khác. Hiện công ty này có 23 kiểm toán viên. Công ty này có 12 chi nhánh khắp cả nước.

Năm 2021, doanh nghiệp này chi gần 2,5 tỷ đồng để trả thu nhập cho các thành viên ban Giám đốc. Ngoài ra, Ban Giám đốc cũng được thưởng tổng cộng hơn 500 triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Siêu sân bay Long Thành: Vẫn nhiều trở ngại ảnh hưởng tiến độ

Sau hơn một năm khởi công, đa số các hạng mục chính của dự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) mới tới khâu thiết kế, hoặc chờ phê duyệt đầu tư. Công trình nhà ga...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Thu Thảo ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN