Hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội ‘đội’ vốn gần 18.000 tỷ đồng, kéo lê tiến độ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hiện, Hà Nội đang triển khai xây dựng 2 dự án đường sắt đô thị là tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ, nhiều vướng mắc và tiếp tục đội vốn dẫn tới phải điều chỉnh thủ tục đầu tư.

Thông tin cập nhật từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư.

Trong đó, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đội vốn thêm hơn 1.900 tỷ đồng, dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến đội vốn thêm hơn 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh, thời hạn các dự án này đưa vào khai thác thương mại phục vụ người dân vẫn còn khó đoán định sau nhiều lần gia hạn.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: 13 năm chưa xong

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn – ga Hà Nội dài hơn 12,5km (đoạn đi trên cao hơn 8,5km, còn lại đi ngầm), với 12 ga, khai thác 10 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa). Tổng vốn đầu tư theo quyết định đã điều chỉnh lần gần nhất là 32.910 tỷ đồng (tương đương hơn 1,17 tỷ Euro), sử dụng vốn vay ODA và phần đối ứng trong nước. Khi phê duyệt dự án, Hà Nội đặt mục tiêu đưa vào sử dụng năm 2010, nhưng thực tế tới nay vẫn chưa rõ ngày về đích, và đang điều chỉnh tăng thêm vốn.

Dự án được lập báo cáo tiền khả thi từ năm 2002, phê duyệt đầu tư năm 2006, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam được bắt tay nghiên cứu và triển khai khởi công. Định hướng khi, Hà Nội sẽ triển khai dự án này để thí điểm, đúc rút kinh nghiệm cho triển khai các dự án khác. Tuy nhiên, tới nay, dự án chưa thể hoàn thành đưa vào vận hành.

Bộ GTVT dẫn báo cáo của chủ đầu tư cho thấy, tới nay, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 76% khối lượng, trong đó phần trên cao đạt gần 99%, đoạn đi ngầm đạt hơn 33%. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc, nên tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã trải qua năm thứ 13 xây dựng vẫn chưa hẹn ngày về đích dù được gắn "mác" thí điểm.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã trải qua năm thứ 13 xây dựng vẫn chưa hẹn ngày về đích dù được gắn "mác" thí điểm.

Tới nay chỉ có gói một số gói thầu đoạn trên cao hoàn thành, như thi công tuyến trên cao, ga trên cao, hạ tầng kỹ thuật khu depot (khu kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa); các gói thầu còn lại đều dở dang. Đặc biệt, với đoạn trên cao, gói thầu số 5 (kiến trúc khu depot) và gói thầu số 6 (hệ thống đường sắt, thiết bị depot, tín hiệu điều khiển, cấp điện) chưa thể hoàn thành do nhà thầu chậm bàn giao các toà nhà tại khu depot.

Dự án đường sắt trên còn gặp vướng mắc liên quan tới mẫu hợp đồng thầu quốc tế khác quy định của Việt Nam; vướng mắc trong nghiệm thu, bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống; chậm thanh toán, mặt bằng khiến các nhà thầu tạm dừng hoặc giảm tiến độ công việc, khởi kiện đòi bồi thường chi phí (như nhà thầu gói thầu số 6, 7, 8, 9 và tư vấn Systra)…

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội từng 2 lần phải điều chỉnh dự án, tổng vốn đầu tư tăng từ 783 triệu Euro lên hơn 1,17 tỷ Euro (trên 32.910 tỷ đồng). Do dự án kéo dài, phát sinh thêm chi phí, UBND TP.Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trọng tâm chính là tăng tổng mức đầu tư lên 34.800 tỷ đồng (tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng), lùi tiến độ hoàn thành từ năm 2022 sang năm 2027.

Sau 4 tháng của năm 2023, dự án mới giải ngân được hơn 800 triệu đồng vốn kế hoạch của năm.

Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chưa hẹn ngày khởi công

Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2008, mục tiêu hoàn thành năm 2020, nhưng tới nay vẫn chưa hẹn ngày khởi công.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài hơn 11,5km (đi trên cao 3km, còn lại đi ngầm), tổng vốn đầu tư được duyệt năm 2008 là 19.555 tỷ đồng (tương đương 131 tỷ Yên). Dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản và đối ứng trong nước. Dự kiến ban đầu tuyến đường sắt hoàn thành đưa vào khai thác năm 2020, nhưng thực tế tới nay vẫn chưa rõ ngày khởi công, và đang điều chỉnh tăng vốn đầu tư.

Bộ GTVT dẫn báo cáo của chủ đầu tư cho thấy, tới nay, dự án mới hoàn thành thiết kế, dự toán gói thầu xây dựng đoạn trên cao và depot, các gói thầu còn lại chưa lựa chọn được nhà thầu để thiết kế, dự toán. Hà Nội đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.

Với mặt bằng, khu depot đã thu hồi đất nông nghiệp, các cơ quan, đang kiểm đếm đất ở; các ga trên cao đã giải phóng mặt bằng đạt 92%, ga ngầm đạt 79%.

Trong 4 tháng năm nay, dự án chưa giải ngân được đồng vốn kế hoạch nào.

Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo phải điều chỉnh dự án, do thời gian triển khai kéo dài, chi phí tăng.

Trọng tâm điều chỉnh là tăng tổng mức đầu tư dự án từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng (tăng thêm hơn 16.123 tỷ đồng). Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư đang được Bộ KH&ĐT thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Vướng mắc chính với dự án trên liên quan vị trí quy hoạch để xây dựng nhà ga C9 (bên bờ hồ Hoàn Kiếm), việc này đã kéo dài nhiều năm qua do còn các ý kiến khác nhau, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án, hiệu quả đầu tư.

Nguồn: [Link nguồn]

Sợ đại hội bất thành, công ty dùng độc chiêu 'gom' cổ đông

Theo quy định, tỷ lệ tham dự trong các phiên họp đại hội cổ đông thường niên (tổ chức lần đầu) phải đạt đủ điều kiện mới có thể tiến hành, song nhiều đơn vị không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN