Dự án ôm đất bỏ hoang: Ngăn chủ đầu tư “lách luật, nhờn luật”

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu có những biện pháp xử lý kiên quyết với những dự án chậm triển khai hàng chục năm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tiếp tục ôm đất, gây lãng phí nguồn lực phát triển.

Lách luật, nhờn luật 

Cuối năm 2018, Hà Nội tiến hành rà soát toàn bộ các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố. Kết quả giám sát trực tiếp tại 8 quận, huyện, cho thấy có 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục. Giám sát qua báo cáo của 22 quận, huyện, thị xã còn lại cho thấy có thêm 172 dự án chậm triển khai. Thời điểm giám sát, các địa phương “dẫn đầu” về các dự án loại này như Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án...

Cá biệt, có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Kết quả giám sát cho thấy, nhiều chính quyền địa phương không “đủ sức” để xử lý các dự án loại này. Như một lãnh đạo UBND xã Thanh Lâm (Mê Linh) chia sẻ, trên địa bàn xã có một số dự án chậm triển khai nhiều năm nay, thậm chí lãnh đạo xã cũng không biết dự án đó của ai. Hay như ở quận Nam Từ Liêm, thời điểm đoàn giám sát làm việc, lãnh đạo quận cũng cho biết, có dự án nhiều năm không thấy chủ đầu tư xuất hiện, dù quận liên tục mời lên làm việc. 

Đáng chú ý, nhiều dự án loại này thực hiện việc “lách luật” để tiếp tục tồn tại. Nói như Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, có nhiều trường hợp dự án được giao đất từ năm 2009, một lần xin điều chỉnh kéo dài 6 năm, hết thời hạn lại tiếp tục xin điều chỉnh thêm nữa. Các chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác bằng cách lẩn tránh, xin điều chỉnh quy hoạch rồi lại tính từ thời điểm quy hoạch để hợp thức hóa việc chậm triển khai quy hoạch.

Trong phiên giải trình về vấn đề này,  lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận có tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tiếp tục chây ì, ôm đất, thậm chí là đất vàng. Sau khi có kết quả giám sát và tổ chức phiên giải trình, HĐND thành phố đã ra nghị quyết, đề nghị UBND thành phố thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong Kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Hà Nội vừa diễn ra, các đại biểu tiếp tục tái chất vấn về việc thu hồi các dự án. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, một số dự án chưa được thu hồi trên thực địa, một số dự án tiếp tục chây ì, ôm đất..., không hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (Hoài Đức) vẫn “hoang hóa” sau nhiều năm Ảnh: PV

Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (Hoài Đức) vẫn “hoang hóa” sau nhiều năm Ảnh: PV

Kiên quyết xử lý

Dù đã nhiều lần yêu cầu xử lý kiên quyết, nhưng theo một số đại biểu HĐND thành phố, vẫn có những dự án không liên lạc được với chủ đầu tư. Có những chủ đầu tư dự án hiện đã mất khả năng thanh toán...Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tình trạng vi phạm quy định đất đai trong việc triển khai các dự án còn rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân là mức xử phạt hành chính chưa đủ mức răn đe. Luật Thủ đô đã quy định, cho phép Hà Nội được quyền phạt gấp đôi, và UBND thành phố cũng được yêu cầu xây dựng nâng mức xử phạt cao lên, tuy nhiên chưa thấy thực hiện.

Sau Kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu các sở ngành có liên quan, đặc biệt Sở TN&MT, Sở KH&ĐT thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị giám sát của HĐND thành phố, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố. Trên cơ sở rà soát, đã thanh tra, kiểm tra, xác định vi phạm và xử lý theo quy định. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai trong thời gian dài. Giải quyết dứt điểm 65 dự án còn tồn tại đã được đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố kiến nghị từ năm 2012.

Đối với những dự án xác định rõ nhà đầu tư không còn khả năng tài chính thực hiện thì cần tập trung xử lý, không để kéo dài, lãng phí nguôn lực đất đai. Ông Chung cũng yêu cầu Sở TN&MT hoàn thành việc thu hồi đất đối với 18 dự án vi phạm đã có quyết định thu hồi; 3 dự án xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung theo kết luận phiên giải trình. Tiếp tục công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai để nhân dân, cử tri biết, giám sát, làm căn cứ để thực hiện xử lý vi phạm.

Cùng với đó, giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án. Kiên quyết không xem xét giao dự án mới với các nhà đầu tư vi phạm; không gia hạn, điều chỉnh dự án đối với các dự án chậm triển khai kéo dài. “Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, các địa phương thuộc thành phố trong việc chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của từng đơn vị, đến từng cá nhân. Có biện pháp giải quyết triệt để, không tạo ra kẽ hở cho chủ đầu tư lợi dụng thủ tục điều chỉnh quy hoạch để kéo dài dự án và không để phát sinh các vi phạm mới gây bức xúc trong dư luận”, ông Chung yêu cầu.

Tràn lan khu đô thị, biệt thự bỏ hoang: Điểm mặt biệt thự ”ma”

Ở Hà Nội, không khó để tìm những nhà liền kề, biệt thự trị giá vài tỷ đến cả chục tỷ đồng nằm chỏng chơ, xuống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN