Đồng USD tăng giá mạnh trở lại

Sự kiện: Tỷ giá USD
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đồng USD đang hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp, nhờ các số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất. Trong khi đó, thị trường tiền tệ và tài sản kỹ thuật số biến động nhẹ, còn tình hình chính trị Nhật Bản có thể làm thay đổi cục diện thương mại với Mỹ.

Đồng USD đang ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp so với rổ tiền tệ lớn, chủ yếu nhờ loạt dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan. Cụ thể, chỉ số đồng USD – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền lớn khác – đứng vững ở mức 98,456 vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hướng tới mức tăng 0,64% trong tuần này, tiếp nối mức tăng 0,91% của tuần trước.

Đỉnh điểm là vào thứ Năm, chỉ số USD tăng lên mức 98,951 – cao nhất kể từ ngày 23/6 – sau khi báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 6 tăng vượt kỳ vọng, còn số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng.

Cùng với đó, lạm phát tiêu dùng trong tháng 6 tăng nhanh nhất trong vòng 5 tháng, gợi ý rằng các mức thuế mới của Mỹ đang bắt đầu tác động rõ rệt tới giá cả.

Mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm 2025, nhưng quy mô kỳ vọng đã giảm. Hiện giới đầu tư chỉ còn đặt cược vào khoảng 45 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất, giảm so với mức gần 50 điểm cơ bản hồi đầu tuần.

Điều này cho thấy niềm tin rằng Fed có thể “chờ thêm một thời gian nữa” trước khi hành động, thay vì phải vội vã hạ lãi để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy vậy, đồng USD vẫn chưa thực sự ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã giảm 9,3% do cú lao dốc mạnh trong tháng 3 và tháng 4, khi các chính sách thương mại khó lường của Tổng thống Donald Trump làm xói mòn niềm tin vào tài sản Mỹ.

Đồng USD tăng giá mạnh trở lại - 1

Những rủi ro chính trị nào đang đe dọa đồng USD?

Dù đang phục hồi, đồng USD vẫn đứng trước nhiều nguy cơ. Các chuyên gia từ Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định: nếu lo ngại về chính sách của Mỹ tiếp tục gia tăng, đồng USD có thể bị bán tháo trở lại.

Một ví dụ điển hình là cú rớt giá của đồng bạc xanh hôm thứ Tư, khi xuất hiện tin đồn ông Trump định sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell. Dù sau đó ông Trump đã bác bỏ thông tin này, nhưng sự hoài nghi vẫn khiến thị trường chao đảo.

Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh mong muốn lãi suất xuống còn 1% hoặc thấp hơn, trong khi hiện tại mức lãi suất chuẩn vẫn ở ngưỡng 4,25%–4,5%.

Tại Nhật Bản, đồng yên đang yếu dần khi nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Thượng viện vào Chủ nhật. Các cuộc khảo sát cho thấy liên minh cầm quyền có nguy cơ mất thế đa số, làm dấy lên lo ngại về bất ổn chính sách và khiến các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ thêm phức tạp.

Hiện đồng USD đang dao động quanh mức 148,60 yên – gần mức cao nhất trong 3,5 tháng là 149,19 đạt được vào thứ Tư. Trong tuần này, USD đã tăng 0,73% so với yên.

Một trong những trọng tâm gây tranh cãi giữa Mỹ và Nhật là thuế ô tô và nông sản. Tokyo đang nỗ lực tránh một mức thuế 25% đánh vào xe hơi Nhật, dự kiến có hiệu lực sau ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận.

Các đồng tiền khác và Bitcoin đang biến động ra sao?

Đồng euro phục hồi nhẹ 0,25%, lên mức 1,1626 USD, thoát khỏi mức đáy 3 tuần là 1,1556 USD ghi nhận hôm thứ Năm. Tuy nhiên, tính cả tuần, euro vẫn giảm 0,59%.

Đồng bảng Anh cũng tăng nhẹ 0,13%, lên 1,3436 USD, giúp thu hẹp mức giảm trong tuần xuống còn 0,41%.

Trong khi đó, Bitcoin tiếp tục dao động quanh ngưỡng cao kỷ lục. Đồng tiền kỹ thuật số này hiện ở mức 119.899 USD, sau khi có lúc vượt mốc 123.000 USD trong tuần. Giá Bitcoin được hỗ trợ bởi việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật thiết lập khung pháp lý cho các loại stablecoin neo theo đồng USD.

Đồng đô la Mỹ tạm thời chững lại sau khi đạt mức cao nhất trong ba tuần, trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi thông tin về đợt áp thuế tiếp theo của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trang (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Tỷ giá USD Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN