Điều kiện để được nhận lương hưu gần 125 triệu đồng/tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lương hưu của 1 cá nhân gần 125 triệu đồng/tháng đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, quy định hiện hành khống chế trần lương tính đóng bảo hiểm xã hội chỉ được bằng 20 lần mức lương cơ sở, vậy để có lương hưu cao, người lao động cần làm gì?

Số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, hiện, người có lương hưu cao nhất là ông P.P.N.T. (ở TPHCM), với mức lương hưu lên tới gần 125 triệu đồng/tháng. Thực tế, trong hơn 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, cũng chỉ có 471 người nhận lương hưởng từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Trong đó, có 382 trường hợp lương hưu từ 20-30 triệu đồng/tháng; có 80 trường hợp nhận lương hưu từ 30-50 triệu đồng/tháng; 9 trường hợp lương hưu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên.

BHXH Việt Nam cũng đưa ra thống kê cho thấy, tất cả các trường hợp nhận lương hưu cao kể trên đều làm lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân, với thời gian đóng dài, mức đóng cao. Khi thời điểm trước năm 2007, tiền lương tính đóng BHXH không bị khống chế trần, nên những người này tham gia đóng BHXH với mức rất cao.

Từ năm 2007, tiền lương tính đóng BHXH chỉ được tính tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Ngay trường hợp của ông T. kể trên, trước năm 2007, có nhiều thời gian ông được đóng BHXH với mức lương lên tới hơn 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi quy định về trần lương tính đóng BHXH được áp dụng, từ năm 2007 tới khi nghỉ hưu, lương bình quân tính đóng của ông T. cũng chỉ còn hơn 15 triệu đồng/tháng.

Để muốn có lương hưu cao, người lao động có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện, việc khống chế trần mức đóng nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những người tham gia BHXH cơ bản. (Ảnh minh họa: Như Ý).

Để muốn có lương hưu cao, người lao động có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện, việc khống chế trần mức đóng nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những người tham gia BHXH cơ bản. (Ảnh minh họa: Như Ý).

Về khống chế trần tiền lương tính đóng BHXH, một chuyên gia lao động cho biết, nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng và chia sẻ, đóng cao trong thời gian dài sẽ hưởng cao và ngược lại, nhưng có sự chia sẻ của những người tham gia. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi của người đóng BHXH, đóng cao sẽ được hưởng nhiều, nhưng cũng phải có chia sẻ để không tạo ra sự bất bình đẳng, chênh lệch quá lớn về tiền lương hưu của những người tham gia.

Cũng theo chuyên gia trên, mỗi lần tăng lương hưu, mức tăng được áp dụng theo số tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm), nên người có lương hưu cao sẽ được tăng nhiều hơn rất nhiều so với nhóm đa số còn lại. Điển hình như trường hợp nhận lương hưu gần 125 triệu đồng/tháng kể trên, nếu từ ngày 1/7 lương hưu tăng thêm 12%, lập tức lương người này tăng thêm 15 triệu đồng/tháng. Trong khi mức lương hưu bình quân của 2,3 triệu người đang nhận chế độ do quỹ BHXH đảm bảo chỉ 5,6 triệu đồng/tháng, với mức tăng 12%, mỗi người chỉ thêm khoảng 700.000 đồng/tháng.

“Chính sự mất cân đối trên, Luật BHXH năm 2006 (áp dụng từ năm 2007 - PV) đã quy định trần tiền lương tính đóng BHXH chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương khoảng 29 triệu đồng/tháng. Trần này nhằm đảm bảo mức lương hưu không quá chênh lệch giữa những người hưởng và giữa nhóm làm việc trong khu vực nhà nước với ngoài nhà nước, các lần tăng lương hưu cũng công bằng hơn. Nếu muốn lương hưu cao hơn, người lao động có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đã được áp dụng song hành với quy định về trần lương tính đóng BHXH cơ bản”, vị chuyên gia nói.

Theo Luật BHXH hiện hành, quỹ BHXH cơ bản được nhà nước bảo hộ, nên không phá sản, đảm bảo đầu tư an toàn, được nhà nước hỗ trợ khi mất cân đối và đảm bảo mức chi trả. Còn bảo hiểm hưu trí bổ sung được tham gia sau khi đã tham gia BHXH cơ bản, đóng góp tự nguyện của người lao động và người sử dụng lao động, nhà nước không hỗ trợ, không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả. Nhà nước khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung để cải thiện lương hưu bằng chính sách khác (như được tính để giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân). Quỹ này được quản lý dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, bảo toàn và tích luỹ thông qua đầu tư.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung chính thức áp dụng từ năm 2018, mức đóng, phương thức đóng do người sử dụng lao động thoả thuận với người lao động. Theo cấp phép của Bộ Tài chính, tới nay, có 4 công ty quản lý quỹ được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, gồm: Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty quản lý quỹ đầu tư MB, Công ty quản lý quỹ SSI, Công ty quản lý quỹ Vietcombank.

Trong đó, Dragon Capital triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng hiện hơn 73,5 tỷ đồng với 217 người tham gia, MB triển khai 2 quỹ với tổng giá trị tài sản ròng hiện hơn 11,1 tỷ đồng với 673 người tham gia. Hai công ty quỹ còn lại đang đang xây dựng mô hình hoạt động.

Hiện cả nước có khoảng 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Trong đó có hơn 1 triệu người nhận lương hưu do ngân sách nhà nước đảm bảo, với mức lương bình quân 4,6 triệu/người/tháng; hơn 2,3 triệu người nhận lương hưu do quỹ BHXH đảm bảo, với mức lương bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng.

Dự kiến, từ ngày 1/7 tới, lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng sẽ được điều chỉnh tăng.

Tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra đề xuất thay đổi cách tính khung tiền lương làm cơ sở đóng BHXH, thay vì tính trên lương cơ sở, sẽ căn cứ theo lương tối thiểu vùng. Cụ thể, tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH bằng một nửa lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng 1), cao nhất bằng 8 lần lương tối thiểu vùng cao nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN