Đại gia tuần qua: Người mẹ quyền lực làm gì khi Cường đô la rời ghế nóng?

Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan đang liên tục rút vốn khỏi các công ty thành viên trong 1 tháng gần đây.

Quốc Cường Gia Lai thoái vốn hàng loạt

Đại gia tuần qua: Người mẹ quyền lực làm gì khi Cường đô la rời ghế nóng? - 1

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã phê duyệt việc giảm tỷ lệ vốn góp tại Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường.

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã phê duyệt việc giảm tỷ lệ vốn góp tại Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường từ 74,68% xuống còn 30,8%. Điều này đồng nghĩa, Chánh Nghĩa Quốc Cường sẽ không còn là công ty con của Quốc Cường Gia Lai.

CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường được thành lập ngày 25/9/2018 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Như Loan. Bà Loan chính là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Quốc Cường Gia Lai.

Chánh Nghĩa Quốc Cường đăng kí hoạt động chính trong lĩnh vực Kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà và Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Như vậy, chỉ trong khoảng 1 tháng, Quốc Cường Gia Lai đã liên tục thoái vốn. Công ty này vừa giảm vốn góp tại Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng từ 456,3 tỉ đồng còn 261 tỉ đồng.

Cuối năm 2018, ông Nguyễn Quốc Cường (hay còn gọi là Cường đô la) đã từ nhiệm cả hai vị trí Phó Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT tại Quốc Cường Gia Lai. Cường đô la sau khi rời ghế nóng đã cùng bạn gái Đàm Thu Trang tập trung phát triển chuỗi nhà hàng Tao Chinese Restaurant (C.TAO). Hai người vừa chính thức tổ chức đám hỏi tuần qua.

Bị cạnh tranh mạnh, Kido của anh em đại gia Trần Kim Thành giảm lãi

Tập đoàn Kido vừa báo cáo kết quả kinh doanh 2018 cho thấy, doanh thu thuần đạt trên 7.600 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm ngoái tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.292 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo báo cáo của Kido, nguyên nhân của việc sụt giảm trên là giá bán trung bình của mảng dầu ăn giảm nên kéo theo lợi nhuận đi xuống. 

Cụ thể, doanh thu thuần của Tường An đạt 4.402 tỷ, đạt 86% kế hoạch do phân khúc trung cấp bị cạnh tranh cao. Ngoài ra, giá nguyên liệu thế giới giảm trong năm 2018 làm giá bán trung bình giảm 4,5%. 

Một thành viên khác của Kido là Vocarimex cũng chỉ có doanh thu thuần chỉ đạt 4.357 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng kem và sữa chua cũng sụt giảm mạnh, đặc biệt là mảng sữa chua giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2017 đã khiến lãi của Kido thấp hơn năm ngoái.

Đại gia tuần qua: Người mẹ quyền lực làm gì khi Cường đô la rời ghế nóng? - 2

Doanh thu thuần của Tường An chỉ đạt 4.402 tỷ, bằng 86% kế hoạch.

Thuận Thảo của "bông hồng vàng" hứa bán tài sản trả nợ

Công ty Cổ phần Thuận Thảo của 'bông hồng vàng Phú Yên' Võ Thị Thanh tuần qua đây đã có văn bản giải trình về việc lợi nhuận sau thuế quý 4 năm 2018 và cả năm 2018.

Cụ thể, Thuận Thảo lỗ quý 4 là 40,58 tỷ đồng, giảm 5,17 tỷ đồng, tương ứng giảm lỗ 11,3% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2018, Thuận Thảo vẫn ghi nhận khoản lỗ hơn 1.241 tỷ, vốn chủ sở hữu âm đến gần 795 tỷ đồng.

Giải trình, bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thuận Thảo thừa nhận, việc đầu tư dự án Khu du lịch Sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Theo bà, các tài sản của công ty đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi đó lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn vốn đầu tư nâng cấp, đầu tư bổ sung để phát huy hiệu quả kinh doanh.

Tại thời điểm kết thúc năm 2018, Thuận Thảo đang còn hơn 540 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 106 tỷ đồng nợ vay dài hạn và gần 717 tỷ đồng chi phí lãi vay ngân hàng phải trả. Bà Võ Thị Thanh cho biết sẽ thực hiện thanh lý, chuyển nhượng tài sản để giảm nợ.

Thuận Thảo từng được biết tới là tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho hàng chục công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, sau đó công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ lữ hành, bất động sản và nghỉ dưỡng.

Gặp khó, đại gia xây dựng Coteccons vẫn báo lãi nghìn tỷ

Đại gia tuần qua: Người mẹ quyền lực làm gì khi Cường đô la rời ghế nóng? - 3

Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Coteccons đạt hơn 1.510 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 4/2018 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons cho thấy doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu đạt 7.824 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận gộp chỉ gần 409 tỷ đồng, giảm 29% so với quý 4/2017.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2018, Coteccons có doanh thu thuần đạt 28.561 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Coteccons đạt hơn 1.510 tỷ đồng, đạt kế hoạch cả năm 2018 (1.500 tỷ đồng).

Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, kết quả có phần chững lại so với năm 2017 của Coteccons do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả và chi phí nguyên liệu, nhân công tăng. Ngoài ra, công ty còn gặp yếu tố bất lợi như các hợp đồng lớn bắt đầu triển khai nhưng chưa ghi nhận doanh thu.

Lợi nhuận của Conteccons theo đánh giá có thể còn tăng chậm lại khi các công ty có quy mô trung bình tăng quy mô, cải thiện công nghệ và cạnh tranh mạnh hơn với Conteccons.

Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo báo tăng trưởng siêu khủng

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã VJC) tuần này vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, đạt 103% so với kết hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế Vietjet đạt 5.830 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Báo cáo của Vietjet cho thấy, số dư tiền mặt của công ty tính tới 31/12/2018 đạt 7.161 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp là 0,04 lần.

Trong năm 2018, Vietjet thực hiện 118.923 chuyến bay với 105 đường bay gồm 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế. 

Trước đó, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho biết, năm 2018, hãng đã đóng góp tăng trưởng hơn 23 triệu lượt khách trong tổng số 49 triệu lượt khách của ngành hàng không. Tuy nhiên, bà cũng phàn nàn việc toàn bộ cơ sở hạ tầng tại sân bay như khu bảo dưỡng máy bay, nhà ga, suất ăn, cơ sở mặt đất… hiện vẫn phụ thuộc vào một doanh nghiệp độc quyền của Nhà nước. Nữ đại gia khẳng định hãng của mình có thể đầu tư khẩn trương, chất lượng, không dùng nguồn vốn ngân sách.

Nóng trong tuần: Vừa tuyên bố bỏ bóng đá, ông Trịnh Văn Quyết lại lao vào trái bóng

Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất ý tưởng xây dựng khu phức hợp sân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN