Công khai thu phí BOT giao thông: Đòi hỏi chính đáng, sao Bộ chần chừ?

Trong khi người dân, dư luận đang đòi hỏi phải công khai ngay hoạt động thu phí BOT giao thông, thì phía Bộ GTVT vẫn loay hoay biện đủ lý do để chần chừ. Trong khi đó, các trạm thu phí luôn đối mặt nguy cơ bị người dân phản đối. Thực tế này theo các chuyên gia là do cách làm mập mờ từ đầu, không giống ai, nên giờ khó công khai.

Công khai khi nào, ở đâu?

Trong những năm qua, số phương tiện qua các trạm BOT giao thông đang thu phí chỉ có Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gửi tới báo chí. Trong khi với các dự án BOT khác, chủ đầu tư hầu như không được tiết lộ, chỉ khi dự án thu hồi vốn xong, phải dừng thu phí đột ngột thì Tổng cục Đường bộ mới phát đi thông báo. Do đó, khi trạm thu phí Dốc Xây (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh) đã thu hồi vốn xong, phải dừng thu, dư luận mới được biết. Những bất ổn tại các trạm thu phí BOT giao thông đặt ra yêu cầu ngày càng lớn về công khai minh bạch hoạt động này. Tuy nhiên, người dân muốn biết doanh thu, lưu lượng xe qua các trạm thu phí cũng không biết tìm ở đâu.

Cuối tháng 2 vừa qua, một nhóm khoảng 10 người dân thay phiên nhau cắm chốt tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) để đếm xe qua trạm. Ngay sau đó, nhà đầu tư dự án này có văn bản đề nghị Bộ GTVT lập đoàn vào kiểm tra trạm thu phí để chứng minh trạm hoạt động minh bạch. Còn trước đó, Tổng cục Đường bộ kiểm tra trạm thu phí Dầu Giây với kết quả không có bất thường, không những không làm người dân yên tâm, còn đẩy bức xúc lên. Đó là dấu hiệu của sự bối rối của cơ quan quản lý, trong khi các bên còn lại mất niềm tin vào nhau.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện hằng tháng, quý, năm các nhà đầu tư BOT, đơn vị thu phí đều báo cáo số lượng phương tiện, số tiền phí thu được lên Tổng cục và Bộ GTVT để giám sát. Còn việc công khai trên cổng thông tin của tổng cục, ông Huyện cho biết, sẽ cho kiểm tra. Thực tế, phóng viên đã vào website của tổng cục nhưng không tìm ra số liệu này để ở mục nào?!

Theo ông Huyện, các số liệu về số lượng xe qua trạm thu phí, số tiền phí thu được đều có thể công khai, chỉ có vấn đề công nghệ. “Ít tháng tới triển khai xong hệ thống giám sát độc lập về số lượng phương tiện qua tất cả các trạm thu phí trên cả nước, chúng tôi sẽ kết nối để công bố để ai cũng xem được. Còn hiện báo cáo của nhà đầu tư dự án BOT chủ yếu qua văn bản giấy, dữ liệu lưu trữ ở máy chủ các đơn vị”, ông Huyện nói. 

Sau khi dư luận đặt nhiều dấu hỏi về giám sát hoạt động thu phí đường bộ, Tổng cục Đường bộ đã có động thái kiểm tra, giám sát 11 trạm thu phí cả nước (ngoài trạm Dầu Giây). Các đoàn kiểm tra, giám sát từ nay tới Quý II/2019, thành phần gồm đại diện Tổng cục Đường bộ, Cục Thuế các tỉnh có trạm thu phí, Cục An ninh kinh tế, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an). Các đoàn sẽ kiểm tra về hoạt động thu phí, xuất vé, thu vé, lưu trữ và truyền dữ liệu, kiểm tra lưu lượng xe thực tế... Kết quả gửi về Tổng cục Đường bộ trong Quý II/2019. Trạm thu phí cầu Rạch Miễu sẽ được kiểm tra từ ngày 12 đến 22/3/2019; trạm thu phí QL14 Đắk Nông kiểm tra từ ngày 15 đến 25/3/2019. Các trạm còn lại sẽ thực hiện tiếp sau đó.

Công khai thu phí BOT giao thông: Đòi hỏi chính đáng, sao Bộ chần chừ? - 1

Yêu cầu minh bạch doanh thu thu phí của người dân là chính đáng, cơ quan quản lý nhà nước phải đáp ứng Ảnh: MH

Vì sao không công khai số liệu?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia tư vấn dự án giao thông của Tổ chức JICA - Nhật Bản) cho rằng, việc minh bạch, giám sát hoạt động thu phí đường bộ các nước khác Việt Nam, vì cách làm khác nhau. Theo đó, tại các nước, dự án BOT đường bộ chỉ thực hiện với tuyến đường song song (không làm trên đường độc đạo). Nhà nước ra đề bài 1 dự án làm đường nối từ A tới B, yêu cầu chất lượng, thời gian cho thu phí và đưa ra đấu thầu. Sau đó, các nhà đầu tư tính toán vốn đầu tư, lưu lượng xe, mức phí. Nhà nước không quản lý mức phí, lưu lượng xe, chỉ giám sát chất lượng đường và tới hết số năm thu phí theo quy định sẽ lấy lại đường, xe đi nhiều hay ít, lời lãi nhà đầu tư tự chịu. Nên việc công khai rất đơn giản, ai đi phải trả tiền, không thì đi đường khác.

Còn ở Việt Nam, theo ông Đức, vừa qua, Bộ GTVT kêu gọi đầu tư trên các tuyến độc đạo (như QL1A), đường có sẵn, rồi chặn đường thu phí. Bộ GTVT lo hết cho nhà đầu tư, kể cả phương án tài chính, vốn vay, lãi vay, lợi nhuận. “Làm gì có khoản đầu tư kinh doanh nào là chắc chắn một mức lãi. Nhà nước lo luôn phương án kinh doanh, thu hút khách hàng khi điều tiết bắt xe phải qua trạm thu phí. Điều đó chỉ có ở đầu tư cho giao thông thời gian qua. Cách làm đó dẫn tới hậu quả của những lùng nhùng BOT giao thông ngày hôm nay”, ông Đức nói.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT) cũng cho rằng, do Bộ GTVT triển khai BOT giao thông trên đường có sẵn, đường độc đạo, sai từ đầu nên người dân phản đối. Trong khi đó, mức phí, thời gian thu phí, người trực tiếp sử dụng đường không hề hay biết, không được bàn thảo, bị “ép” phải trả. 

Triển khai thu phí theo hình thức thu thủ công, giám sát mập mờ, càng khiến người dân mất niềm tin, trong khi đó thu phí tự động vẫn ì ạch. “Bộ GTVT trực tiếp ký hợp đồng đầu tư BOT, quyết định mức phí, thời gian thu, giám sát quá trình thu. Vừa đá bóng vừa thổi còi, cách làm như vậy ai tin được?”, ông Thủy băn khoăn. Do đó, ông Thủy đồng tình với việc công khai thông tin thu phí, thời gian thu, lưu lượng xe, số tiền thu được tại chính các trạm thu phí. 

TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí Chính phủ, phải ban hành quy định về công khai hoạt động thu phí BOT đường bộ, với các chỉ tiêu công khai rõ ràng. Từ đó các nhà đầu tư bắt buộc làm theo. “Do chưa có văn bản nào quy định về điều này nên các nhà đầu tư BOT tìm cách trốn tránh, vì họ thích mập mờ hơn. Trong khi đó đòi hỏi công khai của người dân không được đáp ứng, nên người dân càng phản ứng nhiều hơn. Đó là chưa kể việc ký hợp đồng BOT với các điều khoản bảo mật. Bộ GTVT bị “hố”, nên giờ “há miệng mắc quai”, TS Đức nêu. 

Việc người dân tổ chức đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) thể hiện sự tin tưởng của người dân với cơ quan quản lý nhà nước đang giảm sút. Đây là điều đáng ngại nhất, khi niềm tin không còn thì cơ quan nhà nước, ở đây là Bộ GTVT, có nói gì, làm gì dân vẫn không tin. Cần có hành động ngay từ phía Bộ GTVT”, ông Đức nói.

Theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý Đường bộ I kiểm tra, giám sát các trạm thu phí: Phả Lại (QL18, Bắc Ninh); Tam Nông (Phú Thọ); cầu Thái Hà  (Thái Bình); Tiên Cựu (QL10, Hải Phòng), trạm QL38. 

Cục Quản lý Đường bộ III kiểm tra, giám sát 2 trạm thu phí trên QL14 (Đường Hồ Chí Minh) qua Đắc Nông và Đắc Lắk. 

Cục Quản lý Đường bộ IV kiểm tra, giám sát trạm thu phí cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi, và trạm QL1 Bình Thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN