Có hay không chuyện đẩy giá vàng miếng SJC lên cao để... bán vàng nhẫn?

Sự kiện: Giá vàng

Không phải doanh nghiệp kinh doanh vàng nào cũng đủ nguồn vốn lớn để tham gia đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước đưa ra điều kiện đấu thầu chỉ có lợi cho những doanh nghiệp lớn và ngân hàng thương mại. 

Từ cuối năm 2023, thị trường vàng thế giới có biến động rất mạnh, tác động tới thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, lại có một nghịch lý bất thường là giá vàng trong nước chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới, dù rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức các cuộc đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường và bình ổn giá vàng.

Đấu thầu chỉ có lợi cho các 'đại gia' vàng

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn tới việc này là do NHNN đấu thầu vàng chưa thành công. Bởi trong phiên đấu thầu ngày 23-4, NHNN tung ra 16.800 lượng vàng nhưng chỉ bán được 20% trong số đó. Nghĩa là có 80% số vàng bị “ế”.

Theo quan điểm của ông Long, tại cuộc đấu thầu ngày 23-4, giá khởi điểm để đặt cọc đấu thầu đã bị thay đổi sát giờ. Nghĩa là nguyên tắc đấu thầu đã bị thay đổi, chính lẽ đó, những người tham gia đấu thầu có tâm lí hụt hẫng. Đến cuối cùng chỉ có 11 đơn vị tham gia đấu thầu.

TS Ngô Trí Long lý giải nguyên nhân giá vàng vẫn neo ở mức cao trong khi NHNN liên tiếp tổ chức đấu thầu. Ảnh: Minh Trúc

TS Ngô Trí Long lý giải nguyên nhân giá vàng vẫn neo ở mức cao trong khi NHNN liên tiếp tổ chức đấu thầu. Ảnh: Minh Trúc

Lý do thứ hai khiến đấu thầu không thành công theo TS Long là do giá vàng khởi điểm đấu thầu cao hơn giá vàng trên thị trường. Như vậy, sau khi đấu thầu, giá vàng chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa, đi ngược lại với mục đích kéo giá vàng đi xuống.

Một điều nữa được ông Ngô Trí Long chia sẻ, 2 ngày sau khi đấu thầu thành công NHNN mới giao vàng cho doanh nghiệp. Vậy nghĩa là, NHNN không lấy vàng từ kho bạc mà phải mua vàng tài khoản, chuyển thành vàng vật chất để giao vàng. Trong khi đó, những doanh nghiệp vàng thường kinh doanh theo kiểu thiếu bao nhiêu mua bấy nhiêu, mua bao nhiêu bán ra bấy nhiêu, chứ không đầu cơ, tích trữ.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc không giao vàng ngay sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với doanh nghiệp. “Đó cũng có thể là lý do doanh nghiệp kinh doanh vàng không còn mặn mà với đầu thầu”...

Với những lý do đó, TS Ngô Trí Long khẳng định, mục tiêu đấu thầu vàng để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới chưa thành công. NHNN đã có kinh nghiệm đấu thầu thành công 76 phiên đấu thầu vàng vào năm 2013, tuy nhiên, mỗi một giai đoạn sẽ có những điểm khác nhau, NHNN không nên giữ quan điểm điều hành máy móc theo giai đoạn cũ, như cách đây 11 năm.

TS Ngô Trí Long cho rằng trước mắt rất cần thiết phải sửa ngay Nghị định 24, hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường vàng. Cùng với đó, NHNN cần nghiêm túc nhìn nhận đánh giá nguyên nhân các cuộc đấu thầu vừa qua không đạt, tính đến phương án đấu thầu linh hoạt, giảm khối lượng tối thiểu mà doanh nghiệp được đặt thầu xuống còn 500 lượng (tương ứng với 5 lô).

Nghi ngờ đẩy giá vàng miếng SJC để bán vàng nhẫn

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho hay, thị trường có hơn 15 đầu mối kinh doanh vàng nhưng chỉ có khoảng 3-4 đầu mối lớn đang chi phối thị trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Ai là người quyết định mức giá 86-87 triệu đồng/lượng vàng như hiện nay? NHNN phải trả lời cho câu hỏi này.

Theo ông Ánh, giá vàng trên thị trường liên tục tăng nhưng khi đem đấu thầu thì giá khởi điểm chỉ khoảng 82,9 triệu đồng/lượng. Tức là mức giá đấu thầu này vẫn thấp hơn mức giá vàng trên hiện trường.

Vậy tại sao các doanh nghiệp không “mặn mà” mua vào đến mức NHNN phải huỷ đấu thầu 3 lần. Trong khi nếu như họ mua thì khi bán ra chắc chắn sẽ có lãi. "Tôi nghĩ là cơ quan quản lý phải tìm ra nguyên nhân và trả lời cho việc này".

Một điều nữa, theo ông Ánh, giá vàng nhẫn Việt Nam đang chênh với giá thế giới khá nhiều. Thời gian gần đây, khi giá vàng miếng SJC tăng cao, xu hướng người dân chuyển qua mua vàng nhẫn, đã dẫn tới thị trường khan hiếm mặt hàng này.

“Phải chăng người ta đang đẩy giá vàng miếng SJC lên cao để bán vàng nhẫn? Liệu có chuyện đó không?”, ông Ánh hoài nghi.

Ông Ánh phân tích, nếu chúng ta nhập khẩu vàng nguyên liệu về và chế tác ra vàng nhẫn thì giá cũng chỉ chênh so với giá thế giới khoảng từ 1-2 triệu, không thể có chuyện chênh lệch quá nhiều như vậy.

Theo ông Ánh, từ trước đến nay vàng nhẫn vẫn tồn tại trên thị trường nhưng lại không phải hàng hoá, cũng không phải vàng tiền tệ và cũng không thể coi đây là vàng trang sức.

"Hiện nay vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp với sản phẩm vàng nhẫn và điều đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhẫn đồng thời cũng làm đại lý kinh doanh vàng miếng SJC.

Do đó, hiện tượng vàng miếng SJC bị "chê" như vừa rồi rất có thể là do người ta đẩy giá vàng SJC lên cao một cách vô lý và không mặn mà với việc đấu thầu vàng để tiêu thụ vàng nhẫn. Và đó mới là mục tiêu kinh doanh của họ", ông Ánh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng miếng SJC tiến sát mốc 88 triệu đồng/lượng, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, bản thân Ngân hàng Nhà nước chưa muốn hạ nhiệt giá vàng vì thị trường vàng mang tính chất đầu cơ và cung nhiều qua đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH TRÚC ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN