Chứng khoán lao dốc: Bài học cho những ''tay mơ''?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau gần 2 năm thăng hoa trên thị trường chứng khoán, không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư F0 lo âu, thậm chí hoảng loạn khi thị trường liên tục chìm trong sắc đỏ. Chỉ trong 2 tuần, VN-Index đã bay sạch thành quả gần 10 tháng tích lũy trước đó.

Ðau đớn nhìn tài sản “bốc hơi”

Đó là tâm trạng mà nhiều nhà đầu tư phải thốt lên khi vừa trải qua hơn 2 tuần căng não trên thị trường chứng khoán. Với việc VN-Index giảm khoảng 15% tính từ ngày 4 đến ngày 25/4 đã khiến vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 20 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều tài khoản của nhà đầu tư rơi vào tình trạng lỗ nặng, đa phần âm tới 20-50%. Thậm chí, không ít nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy (vay margin) cao, mức lỗ có thể rất lớn, thậm chí tài khoản về mo.

Thị trường chứng khoán liên tiếp “đỏ lửa” khiến nhà đầu tư trở tay không kịp

Thị trường chứng khoán liên tiếp “đỏ lửa” khiến nhà đầu tư trở tay không kịp

Anh Trần Tiến Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2022, qua lời tư vấn của môi giới và các nhóm “phím hàng”, anh nhận định lĩnh vực đầu tư công và bất động sản trong năm nay sẽ gặp “thiên thời”. Hàng loạt dẫn chứng về “sốt” đất, giá đất tăng chóng mặt đã khiến anh tất tay số tiền khoảng 5,6 tỷ đồng vào những cổ phiếu “bất động sản”, với niềm tin sẽ đổi đời nhờ những cổ phiếu này.

“Những tháng đầu năm, các mã cổ phiếu bất động sản tăng khá tốt. Ai nắm giữ đều phấn khởi. Nhưng từ ngày 7/4, thị trường sụt giảm sâu và diễn ra quá nhanh. VCG (Vinaconex) giảm khoảng 34% và LHG (Cty Cổ phần Long Hậu) âm khoảng 30%...khiến tôi ngỡ ngàng không biết xử lý thế nào. Tài khoản từ đang lãi chuyển sang lỗ nặng”, anh Nguyên nói.

“Chúng tôi thống nhất không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường chứng khoán quay trở lại hoạt động ổn định, đảm bảo việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường. Việc xử lý vi phạm là cá biệt và riêng lẻ và là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành”.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Ðức Phớc

Mấy ngày qua, dù thua lỗ đến hơn 2 tỷ đồng nhưng anh vẫn không dám chia sẻ với gia đình. Anh Nguyên đến công ty làm việc, tâm trạng luôn trong cảnh rối bời.

Cùng chung tâm trạng, những ngày qua, anh Nguyễn Văn Nam (Hà Nội) đã phải liên tục xóa ứng dụng để không muốn nhìn thấy “màu đỏ” của thị trường, vì nghĩ mắt không thấy, tim sẽ không đau. Thế nhưng, nhìn tài khoản bốc hơi từng giờ, anh lại sốt ruột, phải mở ra soi thường xuyên.

“Danh mục của tôi gồm 6 mã thì có tới 5 mã giá rơi về giá sàn (xanh lơ). Như buổi sáng 25/4, tài khoản tôi âm 300 triệu đồng, đến chiều đã âm tới tận 800 triệu đồng. Chỉ riêng hai tuần, tôi đã mất hẳn số tiền tương đương một chiếc ô tô…”, anh Nam kể.

Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, khoảnh khắc ám ảnh tài sản trên thị trường “bốc hơi” nhiều nhất thường bắt đầu từ phiên giao dịch chiều, khoảng sau 14h. Thời điểm này, xuất hiện tình trạng bán ồ ạt khiến thị trường giảm điểm rất sâu, gây áp lực cho nhà đầu tư không biết xử lý ra sao vào phiên hôm sau. Thậm chí, ngay cả những nhà đầu tư lỳ lợm trên thị trường, có tinh thần “hold to die” (giữ cho đến chết) vẫn không thoát khỏi tâm lý sợ hãi, phải ùa vào bán tháo.

Anh Bùi Văn Huy cho biết, dù có thâm niên 5 năm tham gia thị trường chứng khoán, rất sành phân tích kĩ thuật nhưng những diễn biến vừa qua trên thị trường khiến anh cũng không thể lường trước được.

Đáng chú ý, nhất phải kể đến những nhà đầu tư thuộc nhóm đầu cơ “họ” FLC, và Louis. Ngay sau khi tin ông Đỗ Thành Nhân - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Louis Holdings bị bắt vì thao túng giá chứng khoán. Hàng loạt cổ phiếu khác thuộc “hệ sinh thái Louis” như BII (Louis Land), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh)... đều bị nhà đầu tư bán tháo với giá sàn, trắng bên mua.

Trên các hội nhóm, hàng loạt tiếng “than thân, trách phận” của các nhà đầu tư khi bỏ tiền vào những mã này. Phần lớn đều thua lỗ rất nặng. Đặc biệt, không ít trường hợp, tài khoản của nhà đầu tư bị các công ty chứng khoán bán giải chấp để thu hồi nợ vay nên phải ngậm đắng, nuốt cay khi nhìn tài khoản bốc hơi…gần sạch.

“Việc thị trường sụt giảm mạnh cũng là bài học cho nhà đầu tư. Thị trường tài chính không dành cho những nhà đầu tư “tay mơ” với ham muốn lãi gấp đôi, gấp ba tài khoản chỉ trong thời gian ngắn”.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh

Lời khuyên nào cho những “tay mơ”?

Trao đổi với PVTiền Phong, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cho biết, từ năm 2020 đến nay, thị trường có 4 lần giảm mạnh. Sau những cú sập như vậy, thị trường mất từ khoảng 1 tháng đến gần 1 năm để hồi phục. Với diễn biến của thị trường như hiện nay, dù còn rất khó đoán, nhưng nếu nhà đầu tư nhìn dài hạn, tìm kiếm những doanh nghiệp tốt, làm ăn nghiêm túc, giá cổ phiếu sẽ tăng, giúp nhà đầu tư có lợi nhuận.

Theo ông Chánh, việc thị trường sụt giảm mạnh cũng là bài học cho những nhà đầu tư. Thị trường tài chính không dành cho những nhà đầu tư “tay mơ” với ham muốn lãi gấp đôi, gấp ba tài khoản chỉ trong thời gian ngắn.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng, nhiều nhà đầu tư F0 đã trải qua 2 năm (2020 và 2021) huy hoàng nhất của thị trường chứng khoán. Trong xu hướng uptrend (tăng giá), nhiều nhà đầu tư chưa từng trải qua giai đoạn thị trường giảm quá sâu và kéo dài, kể cả cú sụt giảm hơn 70 điểm vào hồi tháng 1/2021 thị trường cũng lấy lại thăng bằng rất nhanh. Do đó, nhiều nhà đầu tư nghĩ việc giảm điểm vừa rồi rất ngắn và thị trường sẽ hồi lại nhanh nên không chuẩn bị tâm thế cho việc thị trường giảm liên tục.

Nguồn: [Link nguồn]

Đã đến thời điểm tốt để tham gia ”sân chơi nóng”?

Sắc xanh hồi phục lan tỏa đều hơn giữa các nhóm ngành, VN-Index có thời điểm tăng gần 18 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Hưng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN