Cảnh giác vấn nạn mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tài khoản ngân hàng không chính chủ đã và đang trở thành "bùa hồ mệnh" cho các đối tượng lừa đảo. Việc các tài khoản ngân hàng được bán tràn lan trên mạng vô tình tiếp tay cho kẻ xấu sử dụng nhằm mục đích luân chuyển dòng tiền, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy vết.

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều tài khoản đăng bài có nội dung về việc thu mua thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng. Trong các hội nhóm, các đối tượng luôn đặt trạng thái "ẩn danh" hoặc tài khoản ảo. Khi có người muốn mua sẽ nhận được tin nhắn yêu cầu để lại số điện thoại. Sau đó, bọn chúng liên lạc qua Telegram, WhatsApp... để thỏa thuận giá và hình thức giao. Mỗi tài khoản không chính chủ của tất cả ngân hàng được bán với mức giá giao động từ 1 đến 4 triệu đồng. Đối tượng bán tài khoản ngân hàng không quan tâm người mua tài khoản để làm gì, cứ được giá là bán.

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Gia Lai liên tiếp bắt 2 vụ mua bán tài khoản ngân hàng, trong đó có một vụ được xác định mua tài khoản để phục vụ lừa đảo trên không gian mạng, với số tiền hàng tỷ đồng. Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giam Lưu Văn Thái (SN 1985, ngụ TP.Hải Phòng) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lập hội nhóm trên Facebook để mua bán tài khoản ngân hàng

Lập hội nhóm trên Facebook để mua bán tài khoản ngân hàng

Trước đó, Thái thành lập Công ty TNHH Cơ khí Khoa Đăng 88 và mở tài khoản số 111002972619 tại một ngân hàng. Sau đó, Thái lấy tài khoản ngân hàng đứng tên công ty rồi bán cho các đối tượng ở Campuchia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi mua được tài khoản của Công ty Khoa Đăng 88, một đối tượng tự xưng là Kỳ, công tác tại đơn vị quân đội đóng trên địa bàn Gia Lai gọi cho anh N.K (ngụ tỉnh Bình Định) để mua heo giống số lượng lớn. Khi anh K. nói mình không kinh doanh heo giống, Kỳ liền nhờ anh đặt heo ở "Công ty TNHH Cơ khí Khoa Đăng 88" rồi sẽ trả hoa hồng.

Tin tưởng, anh K. liên hệ với số điện thoại mà Kỳ cho để đặt heo giống. Để tạo lòng tin, Kỳ còn làm giả lệnh chuyển vào tài khoản của anh K. số tiền 715 triệu để đặt cọc. Sau đó, anh K. chuyển vào tài khoản ngân hàng số 111002972619 đứng tên "Cong ty TNHH Co Khi Khoa Dang 88" số tiền 378 triệu đồng để đặt cọc mua heo giống. Nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt liên hệ nên anh K trình báo cơ quan Công an. Theo kết quả điều tra, từ ngày 14/5/2024 đến 28/7/2024, tài khoản ngân hàng trên phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền từ tài khoản đứng tên của nhiều cá nhân với tổng số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Sau đó, toàn bộ số tiền này lại được chuyển đến tài một khoản ngân hàng khác.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cũng đã khởi tố vụ án mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng tại huyện Chư Păh. Bước đầu, cơ quan CSĐT xác định, vợ chồng Đặng Văn Tuân (SN 1999) và Phạm Thị Ngát (SN 1998, ngụ xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã dụ dỗ nhiều người dân tộc thiểu số mở tài khoản ngân hàng, sau đó cả hai mua lại, đem bán để kiếm lời.

Các tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ đắc lực cho lừa đảo

Các tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ đắc lực cho lừa đảo

Từ năm 2023 đến nay, vợ chồng Tuân dụ dỗ nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Păh đến nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đăng ký mở tài khoản rồi bán lại cho Tuân. Sau đó, Tuân mua lại mỗi tài khoản với giá 300.000 đồng, bán lại cho Phạm Thị Hương (ngụ P.Trà Bá, TP.Pleiku, Gia Lai) để hưởng tiền chênh lệch.

UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Theo đó, qua nắm bắt thực tế và thông tin từ Bộ Công an cho thấy, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng sử dụng. Các tài khoản này thường được dùng vào mục đích vi phạm pháp luật như "rửa tiền", trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai đẩy nhanh triển khai áp dụng các giải pháp ứng dụng căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID trong định danh, xác thực khách hàng mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Đồng thời, yêu cầu Công an tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong đấu tranh, trấn áp tội phạm đối với các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, gian lận liên quan đến tài khoản thanh toán.

Nguồn: [Link nguồn]

Kẻ gian mạo danh Ngân hàng Nhà nước gửi thông tin đường lừa người dân bấm vào link có mã độc để cập nhật thông tin sinh trắc học…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Dũng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN