Cài sinh trắc học để chuyển tiền: Quá tải, xuất hiện lừa đảo kiểu mới

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngày thứ 2 (ngày 2/7), ngân hàng áp dụng quy định chuyển tiền trên 10 triệu/lần, người dân phải thực hiện sinh trắc học bằng nhận diện khuôn mặt sau khi đã quét căn cước công dân, tuy nhiên, dịch vụ nhiều ngân hàng vẫn đang báo lỗi. Đội ngũ công nghệ ngân hàng đang cố gắng hết sức khắc phục các nhược điểm này.

Xếp hàng chờ hỗ trợ cài đặt

Sau nhiều lần tự thực hiện xác thực sinh trắc học không thành trên điện thoại, trong ngày 2/7, rất đông khách hàng đổ về các phòng giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ. Không lâu sau khi phòng giao dịch ngân hàng BIDV Vũ Trọng Phụng (Hà Nội) mở cửa, toàn bộ các băng ghế chờ, quầy dịch vụ kín khách. Đoạn phố ngắn quanh các chung cư gần đó tập trung nhiều ngân hàng, chỗ nào cũng đông khách từ sớm.

Người dân xếp hàng chờ cài đặt sinh trắc học tại ngân hàng ngày 2/7.

Người dân xếp hàng chờ cài đặt sinh trắc học tại ngân hàng ngày 2/7.

Phần lớn người tới ngân hàng là cập nhật sinh trắc học, trong đó có nhiều người lớn tuổi. Theo nhân viên ngân hàng, trục trặc xảy ra chủ yếu ở bước quét NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn), hay khó khăn liên quan chứng minh thư cũ và căn cước công dân mới.

Bà Nguyễn Tuyết Mai (70 tuổi, cán bộ hưu trí) cho biết, đây là lần thứ 2 bà quay lại ngân hàng để cài đặt tính năng xác thực sinh trắc học, hôm qua chưa thực hiện được do phòng giao dịch quá đông. Rút kinh nghiệm, lần này bà Mai ra đợi từ sớm, trước giờ mở cửa, nên chỉ mất 5 phút là hoàn thành. Trong khi đó, cả tuần trước, bà và gia đình loay hoay, liên hệ tổng đài, làm theo hướng dẫn vẫn không thành công.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện xác thực sinh trắc học chưa hạ nhiệt. Người dùng liên tục kể khổ với việc ngày đêm phải canh ứng dụng ngân hàng, bày nhau “mẹo” đăng ký lúc nửa đêm để tránh nghẽn mạng. Dù vậy, không phải ai cũng thành công.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 2/7, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bất kể ứng dụng gì thời gian đầu chạy đều có thể xảy ra lỗi hoặc chưa được...mượt. Và lỗi nhiều khâu không chỉ nằm ở phía ngân hàng. Ông Tuấn khuyến cáo, với những người không có nhu cầu chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hay 20 triệu đồng/ngày, chưa nên cài đặt ngay. Việc nhiều người dân cùng vào cài đặt một lúc sẽ rất dễ dẫn đến quá tải, xảy ra lỗi phần mềm.

“ Người dân hiện đang hiểu là tất cả các giao dịch chuyển khoản đều phải thực hiện sinh trắc học nên ồ ạt đi làm cùng một lúc. Tuy nhiên ở đây cần hiểu rõ là không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học. Cụ thể có thể kể đến như nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như chuyển tiền trong nước, nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… các giao dịch này, khách hàng vẫn thực hiện trên ứng dụng ngân hàng như trước thời điểm ngày 1/7/2024”, ông Tuấn nói.

Xuất hiện lừa đảo cài đặt sinh trắc học

Do nhiều người không thể thực hiện cài đặt sinh trắc học những ngày gần đây, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân (CCCD) để hỗ trợ xác thực sinh trắc học.

Chị Bích Phương ở Hà Nội cho biết, 1 tuần trước, do loay hoay cả ngày để xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng nhưng không được, chị đã lên mạng xã hội tìm những bài viết hướng dẫn cài sinh trắc học. Sau đó, có người tự xưng là nhân viên tín dụng gọi đến yêu cầu cung cấp CCCD, mã pin để hỗ trợ xác thực sinh trắc học, thời gian chỉ mất 5 phút. Chị nghi ngờ lừa đảo nên đã từ chối.

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng cũng đã gửi cảnh báo tới người dùng. Theo đó, các ngân hàng khuyến cáo, khách hàng không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại… Ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (zalo, viber, facebook messenger…). Khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác...

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng sẽ được thực hiện thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra thực hiện như sau: Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị điện thoại đọc CCCD gắn chip của ngân hàng; khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

các ngân hàng khuyến cáo, khách hàng không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

Nguồn: [Link nguồn]

Không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học bằng khuôn mặt kể từ 1/7, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Việt Linh - Đại Dương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN