Cạn tiền, nhà đầu tư rầm rộ cắt lỗ homestay
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, hàng loạt homestay rao bán cắt lỗ với giá trên dưới 1 triệu/m2.
Giá bán trên dưới 1 triệu/m2 cũng khó bán
Cách đây 1-2 năm, trào lưu bỏ phố về quê diễn ra rầm rộ. Những người có tiền tìm về những vùng nông thôn như Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn của Hà Nội, Lương Sơn của Hoà Bình... tìm những khu đất rộng vài nghìn m2 để xây homestay, căn nhà thứ 2... Mục đích vừa là để nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần, đồng thời cũng là khoản đầu tư dài hạn như "của để dành".
Homestay tại Lương Sơn, Hoà Bình chào bán cắt lỗ
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, hàng loạt homestay rao bán cắt lỗ. Đơn cử như thửa đất rộng 5.000m2 (trong đó có 500m2 là đất ở còn lại là đất vườn), tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đang được rao bán cắt lỗ với giá 5,5 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đồng/m2. Theo người bán, mức giá này đã giảm tới 50% so với năm ngoái.
Cũng trên địa bàn huyện Lương Sơn, thửa đất hơn 1 rao bán cắt lỗ với mức giá 6,3 tỷ đồng, tương đương 630.000 đồng/m2, giảm giá khoảng 30% so với giá trước đó. Theo người bán, lô đất này có hơn 300m2 là đất thổ cư, còn lại là đất vườn và đất rừng sản xuất.
Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), mảnh đất trong ngõ 3m có diện tích gần 1.500m2 tại xã Cẩm Lĩnh (trong đó có khoảng 150m2 là đất ở, còn lại là đất vườn) đang được rao bán với giá 2 tỷ đồng, tương đương 1,3 triệu đồng/m2. Chủ nhà cho biết, mảnh đất này thời điểm đầu năm 2021 được mua vào với giá 3 tỷ đồng. Nhưng đến nay, thị trường chững lại, chủ nhà đang cần tiền nên chấp nhận giảm giá mạnh.
Anh Trần Văn Hậu, một môi giới nhà đất tại Lương Sơn, Hoà Bình cho biết, Lương Sơn lợi thế đất rộng, không khí trong lành, thế nên thời gian qua khá nhiều nhà đầu tư tìm mua để xây dựng homestay. Nhưng thị trường gãy sóng, nhà đầu tư bị ngộp nên chấp nhận thu hồi tiền lại. Bởi họ cũng không biết khi nào thị trường mới phục hồi trở lại; cũng có thể lỗ ngày càng sâu.
"Dù vậy, việc bán đi lúc này không phải dễ. Bởi hiện thị trường thanh khoản yếu. Việc tiếp cận vốn đầu tư cũng không dễ dàng. Tôi có hơn chục khách gửi nhưng chưa ra được lô nào", anh Hậu cho hay.
Giai đoạn khó khăn của thị trường
Chia sẻ về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá bất động sản có giảm trong những tháng cuối năm, nhưng vẫn cao gấp nhiều lần so với năm 2018 và cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn hoặc những người vào lúc giá đất đang trên "đỉnh sóng".
Còn khảo sát của CTCP Property Guru Việt Nam tại nhiều sàn giao dịch nhà đất cho thấy, thời điểm quý 2/2022, chỉ khoảng 28% môi giới xác nhận việc mua bán bị sụt giảm mạnh. Thì bước sang quý 3/2022, tỷ lệ môi giới xác nhận giao dịch giảm mạnh (trên 50% lượng giao dịch so với cùng kỳ) lên đến 43%. Quý 4 tiếp tục tăng lên 62%.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Property Guru Việt Nam cho biết, bắt đầu từ quý 2/2022, mức độ quan tâm và lượng giao dịch bất động sản đã có xu hướng giảm.
Ông Quốc Anh nhận định, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn khó khăn, thách thức trong giai đoạn này bao gồm thách thức về nguồn vốn, giá bán bất động sản đã tăng quá cao, sự biến động của nhân sự khi thị trường gặp khó.
Những thông tin, biến động về các hoạt động điều tra, khởi tố nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ảnh hưởng lớn đến lượng quan tâm của người dùng với bất động sản. Nhiều ý kiến được khảo sát cũng nhận định, 2023 sẽ tiếp tục dự báo khó khăn. Tuy nhiên, ông vẫn kỳ vọng thị trường sớm khởi sắc nhờ những thông tin tốt như nới room tín dụng, các chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội được duy trì mức 4,8%/năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, mức lãi suất này sẽ tăng lên 5%/năm.